Sẽ có bước tiến mới trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên được kỳ vọng sẽ đạt tiến triển lớn sau chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đang có chuyến thăm Bình Nhưỡng ngày 20/6 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) đang có chuyến thăm Bình Nhưỡng ngày 20/6 vừa qua. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng straitstimes.com, AFP và Đài RFI đưa tin, theo nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc, tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên được kỳ vọng sẽ đạt được tiến triển lớn sau chuyến thăm chính thức Triều Tiên bắt đầu từ ngày 20/6 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mặc dù Bắc Kinh nhấn mạnh chuyến thăm nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ láng giềng gần gũi Trung-Triều nhân kỷ niệm 70 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, song điểm đáng chú ý ở đây là chuyến thăm diễn ra chỉ hai tuần trước khi ông Tập Cận Bình có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra ở Osaka của Nhật Bản.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên đã rơi vào bế tắc sau khi hai bên không đạt được thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội hồi tháng Hai vừa qua.

Mục đích thực sự của chuyến thăm

Tiến sỹ Cheng Xiaohe, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Renmin (Nhân Dân) Trung Quốc cho rằng nếu ông Tập Cận Bình có thể giúp nối lại các cuộc đối thoại Mỹ-Triều, điều đó cũng là dấu hiệu cho thấy sẽ có tiến triển tốt trong các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Theo tiến sỹ Cheng Xiaohe, Bắc Kinh cũng đặt ra nhiều kỳ vọng có thể gặt hái trước khi nhất trí về thời gian diễn ra chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.

Chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông Tập Cận Bình là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc tới Bình Nhưỡng trong vòng 14 năm qua.

Chuyến thăm Bắc Kinh gần đây nhất của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra hồi tháng Một vừa qua ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội.

Bất cứ sự đột phá nào cũng có thể cho thấy Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong giải quyết những vấn đề then chốt của khu vực đồng thời khiến Washington phải cân nhắc tránh có những cách tiếp cận đối đầu với Bắc Kinh.

Tiến sỹ Cheng nói rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên hiện không còn là vấn đề ưu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là từ khi giữa hai nước bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại.

Ông nhấn mạnh: "Trong quan hệ Mỹ-Trung, giải quyết những bất đồng về thương mại là vấn đề quan trọng hơn cả vấn đề hạt nhân. Nhưng nếu thương mại là vấn đề chính thì một kết quả khả quan trong vấn đề hạt nhân cũng có thể là chất xúc tác quan trọng cho các cuộc thảo luận khác."

Nhân chuyến thăm này, Tờ Lao Động (Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên) số ra ngày 19/6 vừa qua đã đăng một bài viết của ông Tập Cận Bình trên trang nhất.

[Điểm nhấn trong quan hệ đồng minh đặc biệt Trung Quốc-Triều Tiên]

Theo nhiều nhà quan sát, đây là một động tác ngoại giao hiếm có của chính quyền Bình Nhưỡng, nhất là khi ông Tập Cận Bình khẳng định trong bài viết về sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với hướng đi đúng mà chính quyền Bình Nhưỡng lựa chọn để giải quyết các vấn đề chính trị trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ tịch Trung Quốc cũng cam kết ủng hộ các nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, nhằm phát triển kinh tế nước này.

Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi mối quan hệ bạn bè "không thể thay thế" với quốc gia láng giềng đồng thời đề xuất một "kế hoạch lớn" để mang lại hòa bình bền vững cho khu vực Đông Bắc Á.

Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình cũng hứa hẹn rằng Bắc Kinh sẽ đóng vai trò năng động trong "tăng cường trao đổi và phối hợp với Triều Tiên và các bên liên quan khác" để thúc đẩy tiến trình đàm phán trên bán đảo Triều Tiên.

Chuyến công du Triều Tiên lần này của ông Tập Cận Bình cũng được dư luận Hàn Quốc ca ngợi. Nhật báo Joongang theo xu hướng bảo thủ, nhận định cuộc hội kiến giữa ông Tập và ông Kim sẽ mang lại một tia hy vọng cho việc nối lại tiến trình đối thoại.

Tờ báo cũng nhắc lại là sự sống còn của chế độ Kim Jong-un phụ thuộc vào Bắc Kinh. Về phần mình, nhật báo Hankyoreh cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Triều lần này có thể là điểm xuất phát cho những thay đổi lớn trên bán đảo Triều Tiên.

Sự lạc quan này cũng được phủ Tổng thống Hàn Quốc chia sẻ với kỳ vọng là Chủ tịch Trung Quốc sẽ gây áp lực để lãnh đạo Triều Tiên nối lại các đàm phán về hạt nhân.

Lựa chọn đúng thời điểm?

Liên quan đến vấn đề này, Đài RFI đặt câu hỏi: Vì sao ông Tập Cận Bình chọn thời điểm đặc biệt này để công du Triều Tiên? Truyền thông Nhà nước Trung Quốc dĩ nhiên là cổ vũ cho chuyến đi vốn được cho là mang lại hy vọng các bên có thể sẽ đi đến một giải pháp hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, giới chuyên gia quốc tế cũng có nhiều ý kiến khẳng định Bắc Kinh sẽ có tác động tích cực nhất định đến tiến trình đối thoại Mỹ-Triều Tiên.

Theo nhiều chuyên gia được RFI trích dẫn, một trong những lý do chính để Bắc Kinh chọn thời điểm "đặc biệt nhạy cảm" này là nhằm khẳng định vị thế đối tác không thể thay thế trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên vốn đang rơi vào bế tắc kể từ sau thất bại của thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội cuối tháng Hai vừa qua.

Việc Chủ tịch Trung Quốc thăm Bình Nhưỡng cũng có thể khiến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên nổi lên trở lại, trong bối cảnh căng thẳng tại vùng Vịnh đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hong Kong buộc Bắc Kinh rút vào thế "phòng ngự tạm thời."

Theo ông Chu Chí Quần, chuyên gia về chính trị quốc tế của Đại học Bucknell, Pennsylvania, được tờ Japan Times (Nhật Bản) trích dẫn, Bắc Kinh muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng: Trung Quốc vẫn là đối tác chủ chốt tại khu vực Đông Bắc Á, không có sự ra tay của Bắc Kinh, mọi nỗ lực tháo gỡ bế tắc trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên đều vô ích.

Sẽ có bước tiến mới trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên? ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (thứ 2, phải) cùng phu nhân (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (thứ 2, trái) và phu nhân dự bữa tiệc trưa ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) ngày 21/6 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chuyên gia Chu Chí Quần đưa ra kịch bản rằng lãnh đạo Triều Tiên sẽ thông qua Chủ tịch Trung Quốc gửi một thông điệp đến Tổng thống Mỹ, đề nghị ông Trump có thái độ thực tế hơn và nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn về những lo ngại của chế độ Triều Tiên trong hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Ông Triệu Thông, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh: cuộc gặp giữa ông Tập và ông Kim tại Bình Nhưỡng là một cơ hội cho thấy Trung Quốc vẫn còn có khả năng tác động đến chế độ Triều Tiên với tư cách người bảo trợ và cũng là đồng minh thân cận nhất.

Chuyến công du này cũng đưa ra một lời cảnh báo đến Washington rằng nếu Mỹ muốn đạt được các mục tiêu chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phải có một số nhân nhượng với Trung Quốc.

Ông Triệu Thông phỏng đoán rằng Bắc Kinh có thể đứng ra đóng vai trò thu hẹp khoảng cách về lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên trong đàm phán về phi hạt nhân hoá, đổi lại Washington sẽ “mềm mại” hơn với Bắc Kinh trong tranh chấp thương mại.

Triển vọng nào cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên?

Abraham Denmark, Giám đốc Chương trình châu Á của Trung tâm tư vấn Wilson ở Washington, cho rằng việc các cuộc đàm phán Mỹ-Triều có tiến triển, cho dù còn xa mới đi đến cái đích phi hạt nhân hóa song cũng nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh lo ngại khi các cuộc đàm phán bế tắc sẽ có thể dẫn đến những căng thẳng mới nảy sinh tại khu vực, thậm chí bùng nổ xung đột "vượt tầm kiểm soát."

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng Bắc Kinh tác động vào tiến trình đàm phán Mỹ-Triều đến đâu, có thể khai thông bế tắc hay không, cho đến nay vẫn hoàn toàn còn là một ẩn số.

Theo nhận định của James Schoff, chuyên gia về Đông Á của Bộ Quốc phòng Mỹ, việc ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng với những tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ chế độ Triều Tiên kèm theo nhiều khoản viện trợ và các hỗ trợ lớn dự kiến sau đó, càng khiến chính quyền Kim Jong-un thêm vững tâm và khó lòng thỏa hiệp theo đòi hỏi của Mỹ.

Có thể nói, cả ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-un đều đang nỗ lực cải thiện các mối quan hệ, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã có 4 chuyến thăm liên tiếp đến quốc gia láng giềng Trung Quốc trong khi Bắc Kinh lên tiếng đề nghị cộng đồng quốc tế gỡ bỏ cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, lãnh đạo Trung Quốc đã đợi đến "thời điểm chín muồi" (sau khi chứng kiến các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều) để quyết định tiến hành chuyến thăm chính thức tới Triều Tiên. Vì vậy, có thể nói chuyến thăm lần này là cơ hội để Trung Quốc thể hiện ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên nói riêng và khu vực nói chung.

Giáo sư Lim Eul-chul, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên thuộc Đại học Kyungnam cho rằng: "Đối với Triều Tiên, cuộc hội kiến của ông Tập và ông Kim để chứng tỏ rằng Bắc Kinh luôn là sân sau của Bình Nhưỡng và cũng nhằm gửi một thông điệp tới Washington rằng Mỹ nên ngừng chiến lược gây sức ép tối đa."

Trong khi đó, giáo sư Yongwook Ryu, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore lại cho rằng ông Tập Cận Bình vẫn có thể mắc "sai lầm nghiêm trọng" nếu cứ nỗ lực sử dụng Triều Tiên như một công cụ mặc cả với Donald Trump bởi lãnh đạo nước Mỹ luôn tách biệt các vấn đề an ninh và kinh tế.

Nhà nghiên cứu Zhao Tong cho rằng ông không kỳ vọng sẽ có những cuộc thảo luận riêng về vấn đề phi hạt nhân hóa trong cuộc gặp ông Tập và ông Kim lần này bởi "giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn chưa có đủ sự tin cậy lẫn nhau"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục