Các cơ sở giáo dục đại học sẽ được phân tầng (sắp xếp theo nhóm) và xếp hạng (sắp xếp theo thứ tự cao, thấp về chất lượng được tính bằng điểm theo khung xếp hạng trong mỗi tầng.)
Các tầng gồm trường đại học định hướng nghiên cứu và trường đại học định hướng ứng dụng. Ngoài ra, còn có trường đại học định hướng thực hành là các trường cao đẳng nằm trong hệ thống giáo dục đại học.
Trong mỗi tầng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xếp hạng theo khung gồm 5 hạng, từ hạng 1 đến hạng 5.
Đây là nội dung của Dự thảo Nghị định của Chính phủ Quy định về phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố hôm nay, ngày 2/10.
Theo Dự thảo, chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu là chương trình đào tạo chuyên sâu tập trung vào các nguyên lý, lý thuyết cơ bản trong các lĩnh vực khoa học, phát triển các công nghệ nguồn làm nền tảng để phát triển các lĩnh vực khoa học ứng dụng và công nghệ.
Chương trình đào tạo định hướng ứng dụng là chương trình đào tạo hướng người học phát triển những thành tựu của nghiên cứu cơ bản, ứng dụng các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người.
Chương trình đào tạo định hướng thực hành là chương trình đào tạo hướng người học tập trung vào việc thực hiện các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, sản xuất, chế tạo các công cụ phục vụ sản xuất và đời sống dựa trên những thiết kế có sẵn.
Có 5 tiêu chí cho cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gồm vị trí, vai trò của trường, quy mô đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ và chất lượng nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, trường định hướng nghiên cứu là trường đại học có hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản chiếm tỷ trọng cao, nổi bật trong các hoạt động nghiên cứu; có đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên giàu năng lực, có năng lực giải quyết các vấn đề khoa học cấp quốc gia và quốc tế.
Trường đào tạo trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ không dưới 50% tổng quy mô toàn trường; số chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu chiếm hơn 60%; từ 70% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sỹ; có từ 50% số ngành đào tạo có các chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sỹ.
Trong nghiên cứu khoa học công nghệ, trường có kinh phí dành cho hoạt động này không ít hơn 25% tổng kinh phí hoạt động hằng năm. Quỹ thời gian dành cho hoạt động khoa học công nghệ của giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ không ít hơn 50% tổng thời gian làm việc hằng năm và có ít nhất 80% các chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ hoặc tương đương có các nghiên cứu sinh tham gia. Trường cũng phải có ít nhất một cơ sở nghiên cứu khoa học cơ bản chuyên sâu hoặc một trung tâm nghiên cứu phát triển các công nghệ nguồn.
Về chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phải có ít nhất 40% tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường có trình độ tiến sỹ; 25% tổng số có chức danh giáo sư, phó giáo sư; đào tạo và cấp bằng ít nhất 50 tiến sỹ/năm; hằng năm công bố ít nhất 50 bài báo, công trình nghiên cứu kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Về kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, trường có ít nhất 70% số chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu được các tổ chức kiểm định chất lượng công nhận, trong đó có không ít hơn 30% số chương trình này được các tổ chức kiểm định chất lượng khu vực, quốc tế công nhận.
Với nhóm các cơ sở giáo dục định hướng ứng dụng gồm 4 tiêu chí: là trường đại học có các chương trình đào tạo chủ yếu theo hướng ứng dụng và hoạt động khoa học công nghệ tập trung theo hướng nghiên cứu triển khai; đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sỹ là chủ yếu, một số ngành đào tạo đến trình độ tiến sỹ; cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có các tiêu chí về đào tạo và nghiên cứu khoa học khác với các quy định đối với trường đại học định hướng nghiên cứu.
Nhóm các cơ sở giáo dục định hướng thực hành bao gồm các trường cao đẳng trong hệ thống giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng trở xuống phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xử lý những vấn đề kỹ thuật trong thực tế sản xuất và đời sống ở các địa phương.
Với mỗi tầng, các trường đại học được xếp thành 5 hạng khác nhau.
Các hạng được tính theo phần trăm số các trường trong từng tầng, được chia theo nhóm từ cao xuống thấp, được làm tròn số.
Cụ thể, hạng 1 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng cao nhất; hạng 2 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 1; hạng 3 là nhóm 40% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 2; hạng 4 là nhóm 20% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng sau hạng 3; hạng 5 là nhóm 10% các cơ sở đào tạo có kết quả xếp hạng thấp nhất.
Có bốn tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học gồm quy mô, ngành nghề, các trình độ đào tạo; cơ cấu hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; kết quả kiểm định chất lượng.
Việc xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm một lần. Trên cơ sở các tiêu chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách tính điểm và lựa chọn, uỷ nhiệm cho một tổ chức thực hiện xếp hạng.
Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt phân tầng cơ sở giáo dục đại học cho từng giai đoạn và quyết định công nhận xếp hạng các trường đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định công nhận xếp hạng các trường cao đẳng./.