"Sẽ chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân có VND"

Đang được xem xét thảo luận tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi thu hút nhiều ý kiến liên quan đến các vấn đề như có bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng hay không? Hạn mức tiền được bảo hiểm là bao nhiêu? Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước là không bảo hiểm đô la và vàng. Để khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, Luật chỉ quy định bảo hiểm tiền đồng. Điều này thống nhất với các văn bản pháp quy khác và góp phần thực hiện chủ trương người Việt Nam dùng tiền Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đang được nhiều người dân và các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là các vấn đề như: Có bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng hay không? Hạn mức tiền được bảo hiểm là bao nhiêu?... Bên lề Quốc hội sáng ngày 2/11, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, đã trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề này.

Thưa ông, tại sao phải ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi trong thời điểm hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, khắc phục những bất cập hiện nay và bảo đảm sự đồng bộ với hệ thống pháp luật chung cũng như tiệm cận với thông lệ quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ góp phần duy trì và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, góp phần giám sát hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia nhận tiền gửi, tạo cơ chế xử lý minh bạch và theo nguyên tắc thị trường đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng, khách quan, lành mạnh cho hệ thống ngân hàng, bảo đảm thực hiện tốt chính sách tiền tệ phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bảo hiểm tiền gửi hiện nay mới chỉ quy định bảo hiểm cho VND, trên thực tế nhiều người dân vẫn muốn các tổ chức tín dụng bảo hiểm cả ngoại tệ và vàng. Nếu không bảo hiểm thì liệu quản lý Nhà nước về ngoại tệ và vàng có đảm bảo được không?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chủ trương của Đảng và Nhà nước là không bảo hiểm đô la và vàng. Pháp lệnh về ngoại hối quy định người Việt Nam dùng đồng Việt Nam trên đất nước Việt Nam, cũng giống như các nước trên thế giới đều có quy định phải sử dụng đồng bản địa. Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta đang bị đô la hóa và vàng hóa. Luật chỉ quy định bảo hiểm tiền đồng là góp phần cùng với các văn bản pháp quy khác để củng cố lại việc trong nước Việt Nam dùng tiền Việt Nam.

Nếu anh có tiền USD thì anh phải chuyển đổi, nếu không phải gửi ở các dịch vụ gia tăng của ngân hàng. Tôi thấy ngân hàng các nước trên thế giới họ có dịch vụ gửi quỹ bảo hiểm, mỗi người có một mã, người dân có ngoại tệ, vàng, kim cương cứ mang đến két gửi ở ngân hàng, hàng tháng phải trả phí.

Chúng ta phải phân biệt, cho phép gửi và việc bảo hiểm là hai việc khác nhau. Cho phép gửi là chúng ta tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người dân và Nhà nước có các dịch vụ đáp ứng các yêu cầu bảo đảm tài sản hợp pháp của người dân. Trong Pháp lệnh Ngoại hối cũng quy định rõ: Nhà nước nghiêm cấm việc dùng đồng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch và thanh toán kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Mọi người phải hiểu, một mặt Nhà nước cấm là để bảo vệ tiền đồng Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của số đông. Còn những người gửi bằng ngoại tệ thì ta nên tôn trọng quyền bảo vệ hợp pháp về tài sản của họ. Tuy nhiên họ cũng phải thực hiện theo đúng luật, còn họ muốn tiêu thì phải đổi ra đồng Việt Nam để tiêu.

Vậy hạn mức bảo hiểm tiền gửi của người dân được tính như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước đây mình đưa ra hạn mức 50 triệu đồng là từ năm 1999, sau đó mỗi giai đoạn Nhà nước có điều chỉnh. Trong thời gian vừa qua chúng ta mới chỉ có một lần phải xử lý, nhưng ở mức độ rất nhẹ nên về hạn mức là không có vấn đề.

Theo số liệu điều tra báo cáo của các tổ chức tín dụng, người dân có số tiền gửi 200 triệu đồng trở lên không nhiều, đa phần ở mức 100-150 triệu đồng. Trong dự thảo mới để ban hành kèm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những phương án nâng hạn mức lên theo tổng thu nhập GDP bình quân đầu người của cả nước và sẽ chia vùng ra.

Ví dụ vùng nông thôn một mức, ở thành phố một mức khác, tức là chúng ta sẽ áp dụng hạn mức rất linh hoạt với mức độ thỏa đáng để đảm bảo cho người gửi tiền. Bên cạnh đó, mình phải tính toán trên cơ sở thực tế của nền kinh tế, sức mua của đồng Việt Nam, gắn với chỉ số lạm phát, gắn với các yếu tố phát triển khác, tăng trưởng GDP thì giá trị VND của người gửi tiền cộng với lãi suất của người gửi tiền trong suốt thời gian gửi để đảm bảo một nguyên tắc quan trọng nhất là đảm bảo vốn cho gửi tiền.

Hiện trong dự thảo đã có những phương án này nhưng dự kiến Luật đến tháng 5 mới được thông qua. Dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các quan điểm chung, còn về những vấn đề cụ thể, trong quá trình tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đến kỳ họp thứ 3, sẽ trình Dự thảo Nghị định cách thức làm và sẽ đưa ra phương pháp tính định mức bảo hiểm tiền gửi.

Vậy theo ông Luật này có giúp ích được việc giám sát, chi trả cho cơ quan Bảo hiểm tiền gửi không. Nhất là sự giám sát, vì hiện nay thị trường tài chính đang vô cùng nhạy cảm?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chính vì thị trường tài chính nhạy cảm nên chúng ta buộc phải hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho thị trường này. Đối với Luật Bảo hiểm tiền gửi này, trước đây chúng ta đã không tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết nên giờ mới thấy rằng qua việc vỡ tín dụng đen ở các khu vực Hà Nội và các địa phương khác, chúng ta phải giúp cho người dân hiểu được rằng gửi tiền vào các tổ chức tín dụng có mua bảo hiểm là an toàn nhất và giúp cho người dân không vì lợi nhuận mà tham gia vào tổ chức tín dụng đen.

Hiện Luật của mình mới quy định chỉ bảo hiểm cho cá nhân. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên bảo hiểm tiền gửi cho cả tổ chức và doanh nghiệp nữa. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định tại Dự án Luật, chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân, không bảo hiểm tiền gửi của tổ chức. Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tham gia sản xuất - kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin tham gia gửi tiền tại các tổ chức tín dụng.

Đối với tiền gửi của doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng thì đây là một phần trong hoạt động luân chuyển vốn thường xuyên, được quản lý chặt chẽ bởi chế độ quản trị doanh nghiệp nên không thể có vấn đề thiếu thông tin về tổ chức tín dụng mà doanh nghiệp gửi tiền. Nhà nước cũng không khuyến khích doanh nghiệp gửi tiền tiết kiệm để hưởng lãi mà vốn ấy phải được luân chuyển đưa vào phát triển kinh tế.

Còn đối với các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác có tiền gửi tại các tổ chức tín dụng thì hầu hết nguồn vốn có được từ huy động nhằm thực hiện mục tiêu nhất định, chỉ tạm thời nhàn rỗi nên thường không kết dư với số lượng lớn, sau mỗi đợt huy động phải công khai việc huy động, quản lý và sử dụng để tạo lòng tin, sự đồng thuận và ủng hộ cao của các thành viên tham gia đóng góp. Ngoài ra, các tổ chức này cũng có bộ máy quản lý tài chính chuyên trách để thu thập thông tin chặt chẽ liên quan đến các tổ chức tín dụng.

Xin cảm ơn ông!/.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục