SDC: Tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế trong ứng phó với COVID-19

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Thuỵ Sĩ cam kết đoàn kết xuyên biên giới và nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng khác.
Y tá giúp đỡ một bệnh nhân lớn tuổi tới khám bệnh tại Tegucigalpa, Honduras, ngày 1/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC) mới đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự đoàn kết quốc tế trong bối cảnh đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng khắp thế giới dẫn đến sự thận trọng giữa các quốc gia trong việc xuất và nhập khẩu các thiết bị y tế quan trọng.

SDC cho biết viện trợ, dưới hình thức 10.000 bộ quần áo bảo hộ trị giá 100.000 franc Thụy Sĩ (khoảng 103.625 USD), mới được chuyển đến Italy và một kế hoạch giao hàng khác cũng đang được triển khai. Những đóng góp tương tự trước đây đã được thực hiện đối với Trung Quốc, Nepal và Serbia.

Tất cả các đợt giao hàng đều được Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang (FOPH), Văn phòng Công nghệ Thông tin, Hệ thống và Viễn thông Liên bang (FOITT) và Ban Thư ký Nhà nước về Kinh tế (SECO) kiểm tra để đảm bảo có sẵn nguồn cung cấp và tuân thủ các biện pháp thực hiện để chống lại đại dịch COVID-19 ở Thụy Sĩ.

Bên cạnh đó, hoạt động tài trợ đã được phân bổ cho các nỗ lực đa phương để chống lại COVID-19 trên toàn thế giới.

SDC cũng đã chuyển 18 triệu franc Thụy Sĩ cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới, Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Toàn cầu.

Trong khi Thụy Sĩ, cùng với phần lớn thế giới phát triển, phải vật lộn với sự suy thoái từ đại dịch, SDC cảnh báo rằng các quốc gia ít giàu có, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ khủng hoảng, thậm chí còn lớn hơn khi virus này bùng phát ở mức độ tương tự như nó đã xảy ra châu Âu.

Các chương trình và ưu tiên viện trợ chung của SDC cũng đã được điều chỉnh một chút để đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.

[Số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới vượt mốc 1.700.000]

Ở nhiều quốc gia khác nhau như Burkina Faso, Tanzania, Bolivia, Honduras, Afghanistan, Mông Cổ, Moldova, Kosovo, ngân sách sẽ được phân phối lại trong những tháng tới cho các dự án nhằm tăng thu nhập và điều kiện sống cơ bản để phát triển các cơ sở y tế khẩn cấp, cung cấp thực phẩm an toàn và giúp đỡ người tị nạn hoặc người di dời.

Trong ba tháng tới, khoảng 56 triệu franc Thuỵ Sĩ sẽ được phân bổ lại theo cách này.

Để hỗ trợ cho những nỗ lực của mình, SDC có một mạng lưới quan hệ đối tác ở các nước đối tác và có thể dựa vào sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ và quốc tế.

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Thuỵ Sĩ cam kết đoàn kết xuyên biên giới và nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế bị ảnh hưởng khác.

SDC đang theo dõi sự tiến triển của đại dịch COVID-19 với sự hợp tác chặt chẽ với các đại diện Thụy Sĩ và các tổ chức đối tác trong và ngoài nước.

Để cung cấp hỗ trợ nhanh nhất có thể, theo kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu của Liên hợp quốc, khoảng 2 tỷ USD sẽ được cung cấp để chống lại đại dịch.

Với những đóng góp nêu trên, Thuỵ Sĩ đang tham gia vào phản ứng đa phương này. Nếu đại dịch lan rộng nhanh chóng ở các nước đang phát triển - đặc biệt là ở châu Phi - như đã xảy ra ở châu Âu và Bắc Mỹ, hậu quả sẽ chỉ có thể được giảm nhẹ với sự hỗ trợ quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục