Nguy cơ Scotland tổ chức một trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của vùng đất này đang gây chia rẽ và bất ổn không cần thiết.
Người phát ngôn của Chính phủ Anh đã khẳng định như vậy đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Thủ tướng Theresa May rằng nước Anh không cần phải tổ chức thêm một cuộc trưng cầu nào về vấn đề này nữa.
Bình luận trên được đưa ra ngày 27/2 nhằm đáp lại một số tin đồn cho rằng người dân Scotland yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới, dự kiến có thể diễn ra vào tháng 3, đúng thời điểm Thủ tướng May xúc tiến kế hoạch chính thức đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Theo người phát ngôn chính phủ, vấn đề không phải là liệu có thể hay không thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân, mà câu trả lời dứt khoát là "Không" vì điều này sẽ gây ra sự chia rẽ và bất ổn không cần thiết.
Người phát ngôn chính phủ nhắc lại rằng năm 2014, 55% người dân Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ xứ này ở lại Vương quốc Anh, cao hơn tỷ lệ phản đối khi đó là 45%.
Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Anh May thể hiện quan điểm về một "cuộc chia tay hoàn toàn và dứt khoát" với "ngôi nhà chung," tỷ lệ người dân Scotland ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh lại tăng lên.
Theo kết quả cuộc thăm dò mới nhất công bố ngày 8/2, có đến 49% người dân Scotland ủng hộ xứ này độc lập, tăng 3% so với kết quả khảo sát trước đó.
Trong khi đó, 51% còn lại phản đối Scotland tách khỏi Vương quốc Anh và đặc biệt 56% số người được hỏi lại phản đối tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung EU, so với 44% muốn bỏ phiếu lại.
Những bằng chứng này cho thấy người dân Scotland không muốn tổ chức một cuộc trưng cầu mới.
Trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 năm noái, 52% người dân trên khắp Vương quốc Anh ủng hộ Brexit.
Tuy nhiên, riêng tại Scotland, có đến 62% người dân xứ này lựa chọn ở lại EU. Do đó, ngay sau cuộc trưng cầu dân ý trên với phần thắng nghiêng về phe Brexit, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nhiều lần khẳng định Scotland không muốn rời khỏi EU và quyết tâm ở lại liên minh này.
Bà tuyên bố sẽ thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai (sau cuộc trưng cầu năm 2014) về độc lập cho Scotland nếu nguyện vọng của người dân xứ này không được tôn trọng trong quá trình đàm phán giữa Anh với EU về Brexit.
Ngày 7/2 vừa qua, cơ quan lập pháp của Scotland cũng vừa bỏ phiếu bác bỏ về kế hoạch của Thủ tướng Anh về đàm phán rời EU.
Tuy nhiên, kết quả cuộc bỏ phiếu này chỉ mang tính biểu tượng và không ràng buộc về pháp lý.
Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Trong cuộc trưng cầu năm 2014 về nền độc lập, có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Anh./.