Savills: Dịch vụ du lịch, khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi

Theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm nhưng dịch vụ du lịch, khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi nhanh chóng.
Khách du lịch tham quan Đại Nội-Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng ở nhiều quốc gia và gây thiệt hại nặng nề tới kinh tế toàn cầu.

Việt Nam dù tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn nhưng với quy mô thu hẹp hơn trước và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn cũng vẫn chịu tác động đáng kể.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Savills Việt Nam nhận định mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020 nhưng dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.

Với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á-Thái Bình Dương, đối với thị trường khách quốc tế, nhóm khách đầu tiên dự kiến sẽ quay trở lại là khách công vụ, đặc biệt là ở các thành phố lớn; tiếp đến là khách du lịch tự do và khách du lịch kết hợp tham dự hội nghị; sau cùng là khách du lịch theo nhóm.

Thị trường du lịch dự kiến có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch.

Mặc dù đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và dự kiến sẽ còn tiếp tục kéo dài tới hết năm 2020 nhưng du lịch vẫn sẽ là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác, nhiều chuyên gia chung nhận định này.

[Đề xuất thêm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch]

Dưới một góc nhìn khác, Savills Việt Nam còn cho rằng, khi dịch COVID-19 đi qua, kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho sản xuất, mở ra thêm nhiều cơ hội cho bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển.

Ông Mauro Gasparotti cho biết đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Ngành dịch vụ bán lẻ, du lịch và khách sạn được dự đoán chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Tổ chức Du lịch Thế giới đã điều chỉnh triển vọng lượng khách du lịch quốc tế năm 2020 giảm từ 1% đến 3%.

Tại Việt Nam cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể lượng khách quốc tế; trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường quan trọng nhất, chiếm 56% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.

Trong quý 1 vừa qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lượng khách trong nước giảm 6%, doanh thu toàn ngành giảm 11% so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Theo khảo sát của Tiến sỹ Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm cả trong và ngoài nước mà ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành).

Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch nên nhu cầu du lịch sụt giảm mạnh. Tương tự, dịch bệnh cũng làm giảm nhu cầu du lịch trong nước khi Chính phủ thực hiện hạn chế tụ tập đông người, hủy bỏ nhiều lễ hội, hội nghị và gần đây là cách giãn cách xã hội.

Đối với lĩnh vực bán lẻ, việc gia tăng các biện pháp cách ly xã hội có tác động làm giảm mức tiêu dùng. Hầu hết các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh cho biết doanh thu của họ sụt giảm mạnh và mong muốn được giảm tiền thuê để chia sẻ gánh nặng.

Nhiều đơn vị cho thuê mặt bằng cho biết, họ đang theo dõi diễn biến cũng như ảnh hưởng của dịch COVID-19 để xem xét các biện pháp hỗ trợ giảm tiền thuê tới 50% trong thời gian cao điểm dịch bùng phát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục