Savills: Bất động sản Việt sẽ có bước phát triển mạnh 5 năm tới

Các chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng trong 5 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh dựa vào sự tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô, sự gia tăng tầng lớp trung lưu...
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 21/5, tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về thị trường bất động sản Việt Nam trong 20 năm phát triển kinh tế xã hội (1995-2014), ông Nell MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho rằng hiện nay thị trường bất động sản đang ở mức đáy, tuy nhiên đang trên đà phục hồi, giá cả tương đối ổn định và hợp lý.

Theo ông Nell MacGregor, trong 5 năm tới, giá sẽ không không bị “thổi” lên và thị trường sẽ không lặp lại tình trạng “bong bong” như năm 2008 và 2010. Đặc biệt từ ngày 1/7 tới đây, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, nhiều người nước ngoài đang háo hức, chuẩn bị tiền để mua nhà, nhất là các chuyên gia Singapore, quốc gia dẫn đầu dòng vốn FDI tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng, trong 5 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh dựa vào sự tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô, sự gia tăng tầng lớp trung lưu cũng như sự đa dạng về nguồn cung, cầu…

Một số thị trường tiêu điểm phải kể đến như Thành phố Hồ Chí Minh với dự án đường sắt đô thị, Đà Nẵng - địa phương đang được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng, thu hút lượng nhiều khách du lịch và Hải Phòng.

Báo cáo của Công ty Savills Việt Nam đánh giá, trong 20 năm qua Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng, từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình và sẽ vượt qua hầu hết các nước Châu Á khác trong tương lai. Việt Nam đang trở thành tâm điểm của đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 70 tỷ USD trong năm 2008 và là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.

Tính riêng trong năm 2014, kiều hối gửi về Việt Nam khoảng 12,5 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm đến 17%-20%.

Cùng với đó, chính sách tiền tệ mà tiêu điểm là việc hạ lãi suất xuống còn 6,5%/năm đã đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này đã tạo điều kiện để thị trường bán lẻ thay đổi về bản chất và số lượng với hàng trăm nghìn m2 bán lẻ được mở ra thông qua sự gia nhập của nhiều thương hiệu cao cấp toàn cầu như McDonalds, Starbucks…

Trong khi đó, thị trường văn phòng cũng đạt được tốc độ tăng trưởng tốt khi nguồn cầu nội địa liên tục tăng đến từ nhóm các công ty tài chính, bảo hiểm, bất động sản.

Về thị trường nhà ở, do tỷ lệ số người trong một hộ gia đình đã giảm từ gần 5 người xuống còn gần 4 nên thế hệ trẻ ngày nay trở nên độc lập hơn, kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao, nhất là phân khúc căn hộ chung cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục