Saudi Arabia xuất khẩu 600.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ trong tháng 4

Trong bảy ngày đầu tháng này, hai tàu chở dầu có năng lực chuyên chở lên đến 2 triệu thùng mỗi tàu đã được chất đầy hàng và Mỹ là điểm đến của lượng hàng này.
Một tàu chở dầu của Saudi Arabia. (Nguồn: Reuters)
Một tàu chở dầu của Saudi Arabia. (Nguồn: Reuters)

Saudi Arabia dự kiến sẽ bán khoảng 600.000 thùng dầu/ngày cho Mỹ trong tháng Tư, mức cao nhất trong một năm.

Đơn hàng này diễn ra trong bối cảnh Saudi Arabia đã gia tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày trong tháng này, trong khi nhu cầu ở Mỹ lại sụt giảm mạnh do tình trạng phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đối với tháng Năm, công ty dầu quốc doanh Saudi Aramco cho biết sẽ cắt giảm sản lượng xuống 8,5 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận đã đạt được giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đó có Nga, hay còn gọi chung là OPEC+.

[Saudi Arabia và Nga nhấn mạnh cam kết chung giảm sản lượng dầu mỏ]

Theo dữ liệu của Bloomberg, Aramco đã phân bổ thực hiện vận chuyển một phần trong lượng dầu xuất sang Mỹ trong những ngày đầu tháng Tư.

Theo đó, trong bảy ngày đầu tháng này, Aramco đã chất hàng lên các tàu chở dầu rất lớn có năng lực chuyên chở lên đến 2 triệu thùng mỗi tàu, và có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ là điểm đến của lượng hàng này.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Aramco chỉ chất thêm được hai tàu chở dầu.

Theo số liệu hàng tháng mới nhất từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, trong tháng Một năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 401.000 thùng dầu/ngày từ Saudi Arabia.

Giá dầu Mỹ giảm gần 20% trong tuần giao dịch vừa qua

Giá dầu thô của Mỹ khép lại phiên ngày 17/4 ở mức thấp nhất trong hơn 18 năm, và kết thúc tuần giao dịch vừa qua với mức giảm 20%, trước những lo ngại về nguồn cung gia tăng, nhu cầu sụt giảm, trong khi khả năng dự trữ không còn nhiều.

Kết thúc phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm giảm 1,6 USD, gần 8,1%, xuống 18,27 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ tháng 1/2002 đối với một hợp đồng dầu có kỳ hạn gần nhất.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Mỹ giảm 19,7%.

Saudi Arabia xuất khẩu 600.000 thùng dầu/ngày sang Mỹ trong tháng 4 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Sáu phiên 17/4 tăng 26 xu Mỹ, hay 0,9%, lên 28,08 USD/thùng, nhưng tính chung cả tuần vẫn giảm 10,8%.

Những diễn biến khác biệt giữa dầu Brent và dầu WTI là do quan điểm cho rằng châu Âu đang đi trước Mỹ trong lịch trình mở cửa trở lại nền kinh tế khi tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nhiều nước ở châu Âu đang bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, trong khi Mỹ dường như phải mất nhiều tuần nữa mới có thể làm được điều này, theo chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Marshall Steeves của IHS Markit.

Dỡ bỏ các lệnh hạn chế đi lại và thương mại sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với xăng và các sản phẩm năng lượng.

Trong khi đó, chuyên gia Eugen Weinberg của Commerzbank cho rằng diễn biến của dầu WTI cũng cho thấy thị trường đang mong chờ các động thái cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất Mỹ để cắt giảm nguồn cung dư thừa.

Cũng trong ngày 17/4, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết, số lượng giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã giảm 66 giàn xuống còn 438 giàn trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ năm liên tiếp và cho thấy sản lượng dầu của Mỹ có thể sắp giảm xuống.

Manish Raj, Giám đốc tài chính của công ty Velandera Energy, cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng đạt được gần đây giữa OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, cũng như những cam kết cắt giảm tự nguyện của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) có thể sẽ dần tái cân bằng thị trường đến hết năm nay.

Tuy nhiên, ông Raj nhấn mạnh tất cả các cam kết cắt giảm sản lượng đều chỉ diễn ra dần dần trong tương lai, trong khi sự sụt giảm về nhu cầu lại là vấn đề trước mắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục