Saudi Arabia và Nga đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô

Thỏa thuận này quy định cắt giảm hơn 10 triệu thùng dầu/ngày ngay lập tức, trong đó, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày.
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu của Nga trên biển Caspi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/4, Saudi Arabia và Nga đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô "lịch sử," trong nỗ lực tái cân bằng thị trường dầu mỏ vốn đang rơi vào khủng hoảng sau khi giá dầu giảm sâu do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu.

Thỏa thuận này quy định cắt giảm hơn 10 triệu thùng dầu/ngày ngay lập tức. Trong đó, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày.

Các thành viên OPEC+ khác đồng ý cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước khác cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày.

[Saudi Arabia sẵn sàng giảm sản lượng dầu mỏ 4 triệu thùng mỗi ngày]

Chi tiết cuối cùng của thỏa thuận sơ bộ này vẫn chưa được hoàn tất, song tờ Arab News dẫn các nguồn từ Saudi Arabia cho hay chi tiết có thể được công bố trong cuộc họp diễn ra ngày 10/4 của các bộ trưởng năng lượng Nhóm G20 do Saudi Arabia giữ chức Chủ tịch.

Thời gian, thời hạn cắt giảm và quy mô cắt giảm được các nhóm đàm phán của OPEC thảo luận trong tối 9/4.

Thỏa thuận này, cài đặt lại liên minh OPEC+, cũng là sự phục hồi quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga sau khi hai nước bất đồng về vấn đề cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 6/3, dẫn đến việc Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu với Nga.

"Nga và Saudi Arabia, cùng với sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ, có thể mang lại sự ổn định cho thị trường năng lượng toàn cầu," Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga đồng thời là thành viên nhóm đàm phán của Nga, ông Kirill Dmitriev nói với Arab News.

Ông Dmitriev nhấn mạnh: "Đây là thời điểm quan trọng mang tính lịch sử, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Chúng ta đã đồng ý gạt bỏ bất đồng và thúc đẩy thỏa thuận bao gồm các thành viên OPEC+ và các nước sản xuất dầu thô khác"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục