Saudi Arabia ủng hộ OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ

Các nguồn thạo tin cho rằng xu hướng áp đặt lệnh phong tỏa mới nhiều khả năng sẽ khiến OPEC+ quyết định kéo dài việc cắt giảm đến tháng Năm, khi các nước thành viên tiến hành nhóm họp vào ngày 1/4.
Saudi Arabia ủng hộ OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ ảnh 1Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một nguồn thạo tin ngày 29/3 cho biết Saudi Arabia sẵn sàng ủng hộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu đến tháng Năm và tháng Sáu tới.

Trong bối cảnh giá dầu tăng ổn định vào đầu năm nay, OPEC+ đã hy vọng có thể nới lỏng việc cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, tuần trước, các nguồn thạo tin cho rằng xu hướng áp đặt lệnh phong tỏa mới nhiều khả năng sẽ khiến nhóm này quyết định kéo dài việc cắt giảm đến tháng Năm, khi các nước thành viên tiến hành nhóm họp vào ngày 1/4 tới.

[OPEC+ sẽ nhóm họp trước những biến động mới của giá dầu]

Bên cạnh đó, Riyadh cũng sẵn sàng gia hạn chính sách tự cắt giảm sản lượng dầu mỏ để thúc đẩy giá dầu.

Theo nguồn tin, OPEC+ nhận thấy nhu cầu hiện nay chưa thực sự mạnh và cần phải có biện pháp ngăn giá dầu giảm.

Hiện nay OPEC+ mới chỉ cắt giảm tổng cộng hơn 7 triệu thùng/ngày, cùng với mức 1 triệu thùng/ngày do Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm.

Năm 2020, lượng dầu cắt giảm đạt mức kỷ lục là 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương 10% sản lượng dầu trên toàn thế giới.

Ngày 4/3 vừa qua, OPEC+ đã khiến thị trường bất ngờ khi nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng trong tháng Tư, với lý do nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” còn yếu do dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, Nga được phép tăng 130.000 thùng/ngày và Kazakhstan được tăng 20.000 thùng/ngày để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Riêng đối với Saudi Arabia, nước này sẽ tiếp tục gia hạn cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng Tư và sẽ xem xét chấm dứt cam kết này vào thời điểm phù hợp trong các tháng tiếp theo.

Sau khi lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát là 71 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc hiện đã giảm xuống mức 65 USD/thùng.

Một nhân tố khác cũng tác động đến giá dầu là việc Iran răng cường xuất khẩu dầu mỏ trong những tháng gần đây, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục