Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, các quan chức an ninh Yemen ngày 18/8 nói rằng các lực lượng an ninh của Saudi Arabia đã đến thành phố cảng Aden ở miền Nam Yemen, trong bối cảnh căng thẳng nảy sinh trong liên minh quân sự do Riyadh đứng đầu.
Nguồn tin này nói dưới điều kiện giấu tên rằng quân đội Saudi Arabia đã được triển khai ngày 18/8 tại dinh tổng thống, cảng và sân bay. Đây là lực lượng đặc biệt đầu tiên của Saudi Arabia tại Aden kể từ khi liên minh quân sự Arab do Riyadh dẫn đầu tiến hành can thiệp vào Yemen từ năm 2015 để chống lại phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite nhằm khôi phục chính phủ của Tổng thống Yemen Mansua Hadi được Liên hợp quốc hậu thuẫn.
Sau khi, Houthi chiếm thủ đô Sanaa, Chính phủ Yemen do Liên hợp quốc hậu thuẫn đã phải đặt trụ sở tạm thời tại Aden.
[Số vụ không kích tại Yemen nửa đầu năm nay cao hơn cả năm 2016]
Tại Aden, chính phủ của ông Hadi tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng xích mích gần đây với một số thành viên khác trong liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các lực lượng của UAE cũng đang đóng quân tại Aden.
Cùng ngày 18/8, Liên hợp quốc yêu cầu tất cả các bên tham gia cuộc nội chiến ở Yemen tạo điều kiện mở đường cho các hoạt động dân sự và thương mại vào các khu cảng và sân bay của đất nước này và phục vụ cho mục đích viện trợ nhân đạo.
Yemen rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansua Hadi, gây ra một thảm họa nhân đạo chưa từng có.
Kể từ đó tới nay, xung đột tại Yemen đã khiến hơn 10.000 người thiệt mạng, hơn 47.000 người bị thương và hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ cuối tháng 4, dịch tả bùng phát và lây lan nhanh tại nước này đã khiến gần 2.000 người tử vong.
WHO cho rằng sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng sau 2 năm xảy ra cuộc xung đột đã khiến toàn bộ hệ thống cấp nước ô nhiễm nặng nề. Đây chính là nguyên nhân làm dịch tả tại Yemen bùng phát mạnh nhất trên thế giới./.