Saudi Arabia tổ chức lễ tang Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz

Lễ tang của Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz được tổ chức khá giản dị tại một đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo thế giới.
Saudi Arabia tổ chức lễ tang Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz ảnh 1Thi thể Quốc vương Abdullah được bọc trong hai tấm vải trắng và chôn cất theo nghi lễ Hồi giáo tại nghĩa trang El-Ud, thủ đô Riyadh. (Nguồn: AFP)

Ngày 23/1, các nhà lãnh đạo thế giới đã tập trung tại một đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để dự lễ tang Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif và lãnh đạo các nước Sudan, Ethiopia, các nước vùng Vịnh đã cầu nguyện trong lễ tang tại đền thờ Imam Turki bin Abdullah.

Hình ảnh được phát trên truyền hình cho thấy thi hài Quốc vương Abdullah được đặt trong một chiếc kiệu đơn giản và do các thành viên trong gia đình Hoàng gia đeo khăn trùm đầu kẻ ô vuông đỏ trắng truyền thống khiêng.

Thi hài Quốc vương Abdullah đã nhanh chóng được chuyển tới nghĩa trang công cộng El-Ud.

Theo truyền thống của vương quốc Hồi giáo này, Quốc vương Abdullah sẽ được mai táng trong một ngôi mộ không đánh dấu, giống như Quốc vương tiền nhiệm Fahd.

Trong hai ngày 23-24/1, lãnh đạo nhiều nước đã liên tục bày tỏ thương tiếc trước việc Quốc vương Abdullah qua đời.

Tại khu vực Trung Đông, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi hiện đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015 tại Davos (Thụy Sĩ) khẳng định nước này sẽ "không bao giờ quên lập trường lịch sử của Quốc vương Abdullah đối với Ai Cập," đồng thời cho biết đã cử Thủ tướng Ibrahim Mahlab làm trưởng đoàn tham dự lễ tang của Quốc vương.

Ngày 24/1, Ai Cập đã thông báo để tang 7 ngày đối với Quốc vương Abdullah.

Quốc vương Abdullah là nhà tài trợ chính cho chính quyền Tổng thống Sisi khi quân đội lật đổ Tổng thống Hồi giáo Morsi vào tháng 7/2013.

Saudi Arabia cũng đã hỗ trợ hòa giải mâu thuẫn giữa Qatar và các quốc gia vùng Vịnh, khiến Doha "hoàn toàn ủng hộ" Ai Cập.

Trước đó, ngày 23/1, Iran đã gửi lời chia buồn đến người dân và Chính phủ Saudi Arabia thông qua trang web của Bộ Ngoại giao. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã tới Riyadh để dự lễ tang của Quốc vương Abdullah.

Tổng thống Israel Reuven Rivlin khẳng định Quốc vương Abdullah là "hình mẫu điển hình của sự lãnh đạo đầy trách nhiệm và thận trọng với truyền thống tôn giáo sâu sắc. Những chính sách thông thái của ông đã đóng góp to lớn cho khu vực và sự ổn định của Trung Đông."

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố để tang 3 ngày và tới Saudi Arabia chia buồn.

Ngày 23/1, Indonesia đã gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đối với sự mất mát to lớn của người dân Saudi Arabia, trong khi đó Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng tới Saudi Arabia ngày 24/1 để tham dự lễ tưởng niệm chính thức.

Trong một thông cáo báo chí, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gửi lời chia buồn tới Saudi Arabia, đồng thời tỏ lòng kính trọng trước "một nhà chính khách mà những quyết sách của ông đã đánh dấu vị trí lịch sử của quốc gia này, cũng như quan điểm về một Trung Đông hòa bình và công bằng."

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron đã ca ngợi Quốc vương Abdullah là người đã tăng cường đối thoại giữa nhiều tin ngưỡng khác nhau trên thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá cao mối quan hệ "chân thành, ấm áp" với Saudi Arabia và miêu tả Quốc vương Abdullah là người "thẳng thắn và táo bạo."

Dự kiến, Tổng thống Obama sẽ có cuộc gặp với tân Quốc vương Salman trong những ngày tới.

Cũng trong ngày 23/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Nkosazana Dlamini-Zuma đã gửi lời chia buồn đến Hoàng gia, Chính phủ và người dân Saudi Arabia.

Tổng Thư ký nhấn mạnh "Quốc vương Abdullah đã có những đóng góp lớn cho sự phát triển của vương quốc. Là nhân tố đứng sau Sáng kiến Hòa bình Arab, Quốc vương đã để lại một di sản hướng tới lộ trình hòa bình tại Trung Đông."

Ông cũng tỏ lòng biết ơn sự hỗ trợ nhân đạo và phát triển hào phóng của Quốc vương Abdullah đối với người dân Arab và thế giới.

Về phần mình, Chủ tịch AU Dlamini-Zuma nhận định Quốc vương Abdullah là "một nhà cải cách ôn hòa, ủng hộ quyền lợi của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, tham gia chính trị và độc lập về kinh tế"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục