Sputnik đưa tin, ngày 9/5, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir cho biết nước này sẽ tiếp tục những nỗ lực nhằm xử lý "các hành động gây bất ổn" của Iran trong khu vực cũng như sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác vì mục đích này.
Trên trang mạng xã hội Twitter, ông Jubeir đã đăng tải một thông tin nêu rõ: "Chúng tôi ủng hộ và hoan nghênh quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ, ủng hộ quyết định khôi phục các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tehran và sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác của chúng tôi để giải quyết các nguy cơ mà các chính sách của Iran tạo ra.
Nhà ngoại giao trên nói thêm Tehran đã tận dụng các cơ hội sau khi các biện pháp trừng phạt nước này được bãi bỏ và đã tăng cường "các hoạt động gây bất ổn khu vực," ví dụ việc ủng hộ phong trào của các lực lượng cực đoan như phiến quân Houthi ở Yemen.
Mối quan hệ giữa Tehran và Riyadh đã xấu đi từ sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979, khi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ruhollah Khomeini kêu gọi lật đổ các quốc vương thân Mỹ ở vùng Vịnh.
Các mối quan hệ cũng trở nên phức tạp vì nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như những căng thẳng tôn giáo và sự cạnh tranh nhằm giành vị trí lãnh đạo khu vực.
[Xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm nhanh khi Mỹ nối lại lệnh trừng phạt]
Saudi Arabia cam kết hỗ trợ ổn định thị trường dầu mỏ sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Ngày 9/5, truyền thông Saudi Arabia đưa tin Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Tài nguyên khoáng sản của nước nay cam kết nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định tại các thị trường dầu mỏ sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), còn được biết là thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) dẫn lời một người phát ngôn của bộ trên cho biết đối với động thái của Mỹ, Riyadh sẽ tiếp tục hành động để có lợi cho cả những nhà sản xuất cũng như những người tiêu thụ dầu mỏ.
Trong số những bước đi mà có thể cho phép quốc gia vùng Vịnh này giải quyết sự thiếu hụt dầu mỏ tiềm tàng, người phát ngôn trên cho biết nước này sẽ hợp tác với các nhà sản xuất dầu mỏ từ cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng như từ các nước nằm ngoài tổ chức này.
Iran là một trong những nước sản xuất dầu chính trên thế giới. Theo OPEC, trữ lượng dầu thô của Iran vào khoảng 157 tỷ thùng. Quyết định của Washington có thể dẫn đến việc đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ của quốc gia châu Á này và sau đó là sự thiếu hụt dầu mỏ ở các thị trường toàn cầu./.