Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, hãng thông tấn nhà nước Qatar (QNA) ngày 3/12 đưa tin Nhà vua Saudi Arabia Salman bin Abdelaziz Al Saud đã mời Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 40 được tổ chức vào ngày 10/12 tới tại thủ đô Riyadh.
Đây được xem là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh quan hệ giữa Quatar với các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập căng thẳng sau khi các nước này đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar, cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực."
Tháng trước, trong một động thái tích cực khác, Ngoại trưởng Qatar Mohammed Bin Abdulrahaman đã gặp gỡ các quan chức cấp cao Saudi Arabia.
Vì vậy, chuyên gia phân tích khu vực, trợ giảng tại Đại học King's College London, ông Andreas Krieg, nhận định Saudi Arabia nỗ lực để chuyển địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh GCC lần thứ 40 từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sang Saudi Arabia nhằm gia tăng khả năng tham dự của Quốc vương Qatar Al Thani.
[Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng vùng Vịnh]
Ông Krieg cho rằng việc Quốc vương Qatar tham dự sự kiện này hay không sẽ phụ thuộc vào việc Saudi Arabia có giữ vững cam kết với Doha dỡ bỏ ít nhất lệnh cấm bay hoặc mở cửa khẩu biên giới bên phía Saudi Arabia.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh khởi nguồn vào ngày 5/6/2017 với việc Saudi Arabia, UAE và Bahrain cùng Ai Cập đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại và vận tải với Qatar, cáo buộc Doha "hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực," điều mà Qatar luôn bác bỏ.
Thậm chí, liên minh do Saudi Arabia đứng đầu sau đó còn ra "tối hậu thư" với bản yêu sách gồm 13 điểm buộc Qatar thực hiện, trong đó có việc yêu cầu Qatar đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ quốc gia vùng Vịnh này và hạ cấp quan hệ với Iran.
Thời gian qua, Mỹ và Kuwait đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập với Qatar.
Tuy nhiên, đến nay khối các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu vẫn chưa rút lại các yêu cầu đã nêu ra đối với Qatar để khôi phục lại quan hệ và gỡ bỏ cấm vận Qatar.
Mặc dù vậy, động thái trên của Saudi Arabia có thể xem là tín hiệu tích cực để hai bên từng bước bình thường hóa quan hệ./.