Ngày 22/10, Saudi Arabia tuyên bố nước này không có kế hoạch tái áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ, từng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ nghiêm trọng như năm 1973, ngay cả khi mối quan hệ giữa quốc gia Trung Đông này với các nước phương Tây xấu đi sau cái chết gây tranh cãi của nhà báo Jamal Khashoggi.
Trả lời hãng thông tấn TASS của Nga, Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khaled al-Faleh khẳng định Riyadh "không có ý định" tái diễn sự kiện 1973.
Ông nhấn mạnh Saudi Arabia là một quốc gia có đầy đủ tránh nhiệm và trong nhiều thập kỷ qua, Riyadh luôn sử dụng chính sách sản xuất dầu mỏ như một công cụ kinh tế có trách nhiệm và tách biệt vấn đề này khỏi các vấn đề chính trị.
Người đầu ngành dầu mỏ Saudi Arabia khẳng định nếu giá dầu tăng quá nhiều, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể gây suy thoái toàn cầu.
Lập trường của Saudi Arabia là sẽ duy trì các chính sách hiện thời nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thế giới.
[Vụ sát hại nhà báo bóp nghẹt giấc mơ hòa bình Trung Đông của Mỹ]
Ông Khaled al-Faleh đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh xuất hiện lo ngại Riyadh có thể sử dụng hoạt động xuất khẩu dầu như một "vũ khí" chính trị như năm 1973 do căng thẳng leo thang liên quan đến cái chết gây tranh cãi của nhà báo Khashoggi.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 bắt đầu từ tháng 10/1973 khi các nước thuộc Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), trong đó có Saudi Arabia, ban hành lệnh cấm vận trừng phạt các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur.
Theo lệnh cấm vận này, OPEC cấm xuất khẩu dầu mỏ sang một số nước như Mỹ, Nhật Bản...gây ra một cuộc khủng hoảng dầu mỏ chưa từng có.
Do ảnh hưởng của quyết định này, đến tháng 12/1973, giá dầu đã lên tới 11,65 USD/thùng, gấp 4 lần hồi tháng 9/1973.
Liên quan đến cái chết của nhà báo Khashogi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ thảo luận với các thành viên nội các về tiến trình điều tra vụ việc này trong cuộc họp ngày 22/10.
Trong khi đó, cùng ngày, Indonesia kêu gọi có một cuộc điều tra xuyên suốt và minh bạch về cái chết gây trang cãi của nhà báo trên.
Nhà báo Khashoggi, quốc tịch Saudi Arabia và sinh sống tại Mỹ, đã mất tích từ ngày 2/10 sau khi tới Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul.
Ông Khashoggi từng viết bài chỉ trích việc Saudi Arabia can dự vào tình hình chiến sự tại Yemen.
Vụ việc ông Khashoggi bị mất tích đã gây căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và các nước phương Tây.
Sau 2 tuần phủ nhận, cuối cùng Riyadh đã lên tiếng xác nhận nhà báo Khashoggi bị chết trong vụ ẩu đả bên trong tòa Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul.
Hiện Saudi Arabia đang vấp phải sự chí trích và sức ép của dư luận quốc tế, gồm cả các nước đồng minh./.