Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 11/11, truyền thông Trung Đông đưa tin, Saudi Arabia đã tiến hành những bước đi đầu tiên để hướng tới việc gia nhập câu lạc bộ năng lượng hạt nhân toàn cầu khi Thái tử Mohammed bin Salman bin Abdulaziz công bố những chương trình cải cách đầy tham vọng, “đặt nền móng” cho việc triển khai 7 dự án chiến lược mới, trong đó có một lò phản ứng hạt nhân.
Tuần báo The Arab Weekly dẫn một tuyên bố chính thức nêu rõ những dự án này sẽ bao gồm các lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng nguyên tử, khử muối nước biển-giải pháp cho vấn đề thiếu nước sạch của Saudi Arabia, dược phẩm và ngành công nghiệp chế tạo máy bay tại thành phố Quốc vương Abdulaziz.
Theo kênh truyền hình Al Arabiya, trong số các dự án chiến lược mới của Saudi Arabia có dự án xây dựng một lò phản ứng hạt nhân phục vụ mục đích nghiên cứu đầu tiên và một trung tâm để đưa Vương quốc Hồi giáo này trở nhà sản xuất máy bay lớn nhất ở khu vực Trung Đông. Cơ sở hạt nhân trên ở Saudi Arabia sẽ được thiết kế để “phát triển ngành công nghiệp hạt nhân và chuyên phục vụ mục đích nghiên cứu.”
[Nga thử nghiệm bộ phận chính của tên lửa đẩy chạy năng lượng hạt nhân]
Ngoài ra, trong các mục tiêu triển khai dự án của chính quyền Riyadh có hạng mục xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân để sản xuất năng lượng hạt nhân. Lò phản ứng đầu tiên dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Những mục tiêu dài hạn của Saudi Arabia là sẽ xây dựng khoảng 16 lò phản ứng hạt nhân trong 25 năm tới với chi phí ước tính lên tới 80 tỷ USD. Những dự án nêu trên phù hợp với định hướng phát triển đất nước được đề cập trong “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030”–một chương trình cải cách kinh tế nhằm hiện đại hóa nền kinh tế của Saudi Arabia và giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực dầu khí của nước này.
Còn theo hãng tin Bloomberg, Saudi Arabia đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân với Pháp, Nga và Hàn Quốc. Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đang lên kế hoạch triển khai một nhà điện năng lượng mặt trời có công suất 1,8 gigawatt (GW) ở quốc gia Trung Đông này với tổng mức đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhà chức trách Riyadh đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện “Tầm nhìn Saudi Arabia 2030” nhằm tái cơ cấu nền kinh tế để tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động xuất khẩu dầu thô. Thông qua các dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai, cũng như các giải pháp, chính sách đa dạng hóa được đưa ra trong thời gian vừa qua cho thấy Saudi Arabia muốn tìm kiếm động lực phát triển lâu dài và bền vững cho nền kinh tế nước này. Hiện xuất khẩu dầu thô vẫn đang chiếm tới 70% nguồn thu ngân sách của Saudi Arabia./.