Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn báo cáo công bố ngày 11/12 của Tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey cho biết Saudi Arabia đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục lên đến 20% vào năm 2030 và thu nhập hộ gia đình có thể cũng giảm khoảng 20% trong cùng thời gian này.
Theo báo cáo trên, bất chấp việc Saudi Arabia đang tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực tư nhân cho người dân, vẫn có khoảng 1,5 triệu việc làm bị mất vào năm 2030. Do đó, thất nghiệp là một trong những thách thức hàng đầu ảnh hưởng đến nguồn tài chính và dầu mỏ của quốc gia thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này.
Ước tính, trong 15 năm tới sẽ có ít nhất 4,5 triệu người Saudi Arabia tham gia vào thị trường lao động. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ nước này phải tạo thêm việc làm nhiều gấp ba lần so với giai đoạn bùng nổ về dầu mỏ 2003-2013.
Trong khi đó, báo cáo nhận định trong năm 2030, nợ xấu của Saudi Arabia có thể chiếm 140% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do tác động của tình trạng thất nghiệp và sức ép từ việc giá dầu giảm thấp.
Hiện Saudi Arabia cũng đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách lần đầu tiên kể từ năm 2009. Đây là mặt trái của việc để giá dầu giảm mạnh trong một thời gian dài, trong khi nguồn lợi từ dầu mỏ lại chiếm đến 80% khoản thu ngân sách.
Trong bản đánh giá về viễn cảnh kinh tế khu vực đưa ra hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Saudi Arabia có thể sẽ bị vỡ nợ trong 5 năm tới nếu chính phủ nước này tiếp tục các chính sách chi tiêu như hiện nay./.