Sáu vấn đề liên quan NAFTA và thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đạt được thỏa thuận với Mexico đối với các vấn đề song phương trong tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe Ford ở Wayne, Michigan (Mỹ). (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đạt được thỏa thuận với Mexico đối với các vấn đề song phương trong tái đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trump cũng thông báo về ý định kết thúc thỏa thuận NAFTA “cũ” và sẽ sớm bắt đầu đàm phán với Canada.

Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đăng bài phân tích về 6 vấn đề nổi bật liên quan NAFTA và thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico của 2 chuyên gia William Reinsch và Jack Caporal. Nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, các bên chưa tái đàm phán toàn bộ nội dung của NAFTA và thỏa thuận song phương Mỹ-Mexico không thể thay thế cho NAFTA. Chính quyền Trump chỉ thông báo đạt được “thỏa thuận sơ bộ về nguyên tắc” với Mexico trong một số vấn đề giữa hai nước và chúng là một phần trong toàn bộ nội dung tái đàm phán NAFTA.

Thỏa thuận Mỹ-Mexico không phải là văn kiện pháp lý bắt buộc tuân thủ, do đó, không thể thay thế cho NAFTA.

Trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Mexico, hai bên đều kêu gọi Canada nên quay trở lại đàm phán NAFTA.

Chính quyền Canada mặc dù mong muốn quay trở lại tiến trình đàm phán nhưng chưa thể hiện động thái nào trong nhiều tháng qua. Canada cũng đưa ra những vấn đề ưu tiên và quan điểm khác biệt của nước này với Mỹ và Mexico trong các nội dung sửa đổi của NAFTA.

Thứ hai, Trump có muốn kết thúc NAFTA để tiến tới các thỏa thuận song phương hay không? Đến nay, Chính quyền Mỹ vẫn thừa nhận rằng NAFTA là thỏa thuận 3 bên, mặc dù cả Tổng thống Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer đều đưa ra những tín hiệu lẫn lộn. NAFTA vẫn là thỏa thuận 3 bên và việc phá vỡ thỏa thuận này để tiến tới các thỏa thuận song phương có thể gặp khó khăn về chính trị và pháp lý.

Trump tuyên bố muốn kết thúc NAFTA và khẳng định sẽ gây áp lực với Quốc hội Mỹ để ủng hộ bất cứ thỏa thuận nào ông đệ trình thời gian tới.

Trump còn nói rằng ông muốn xóa bỏ tên cũ của NAFTA và thay bằng tên “Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Mexico” song vẫn chưa chính thức đưa ra quyết định rút Mỹ khỏi NAFTA "cũ." 

Mặc dù chưa đạt được hoặc ký kết một thỏa thuận nào bắt buộc tuân thủ về pháp lý với Mexico nhưng Trump lại thông báo các cuộc đàm phán Mỹ-Canada sẽ bắt đầu “gần như ngay lập tức.”

Lighthizer đe dọa đệ trình Quốc hội Mỹ bản thông báo về thỏa thuận với Mexico vào ngày 31/8 tới nếu không đạt được một thỏa thuận với Canada và cảnh báo Canada chỉ có thể tham gia vào thỏa thuận Mỹ-Mexico sau đó.

Việc chia tách NAFTA thành các thỏa thuận song phương có thể dẫn tới những tranh cãi về tư cách pháp lý của các cuộc đàm phán đang tổ chức tại Mỹ.

Điều này có thể làm gia tăng tính phức tạp cho Mỹ trong việc đạt được các thỏa thuận với từng nước Mexico và Canada và cũng gặp khó khăn hơn trong thuyết phục sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, Chính quyền Mỹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn trong Luật Thẩm quyền Thúc đẩy Đàm phán (TPA).

Lighthizer nói rằng theo TPA, ông sẽ không phải gửi các bản thông báo mới về những nội dung đàm phán với Canada và Mexico, song tuyên bố này có thể gặp phải nhiều phản ứng từ giới nghị sỹ Mỹ.

TPA thể hiện các mục tiêu đàm phán mà Quốc hội Mỹ muốn chính quyền thực hiện, song lại giới hạn việc Quốc hội chỉ có thể bỏ phiếu ủng hộ hoặc không ủng hộ đối với toàn bộ thỏa thuận cuối cùng.

Theo TPA, Quốc hội Mỹ sẽ không thể điều chỉnh nội dung của thỏa thuận cuối cùng sau khi chính quyền Mỹ đã đạt được với các đối tác.

Điều này tạo ra sự chắc chắn trong tiến trình đàm phán và các nhà đàm phán của Mỹ có thể bảo đảm với các đối tác rằng thỏa thuận cuối cùng sẽ không thể bị thay đổi vào phút chót bởi Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, chia rẽ NAFTA thành những thỏa thuận song phương có thể buộc Chính quyền phải tái khởi động tiến trình TPA đối với 2 thỏa thuận song phương riêng rẽ với Mexico, Canada và điều này có thể dẫn tới việc Quốc hội Mỹ yêu cầu điều chỉnh các nội dung thỏa thuận mà hai nước thành viên này không thể chấp nhận.

Thứ ba, nội dung quan trọng nhất trong thỏa thuận Mỹ-Mexico là quy tắc xuất xứ nguồn gốc của ôtô. Thỏa thuận mới yêu cầu các mặt hàng ôtô của hai nước sẽ có mức thuế bằng 0 chỉ khi 75% các linh kiện của loại ôtô đó phải được sản xuất tại Mỹ hoặc Mexico.

Theo thỏa thuận mới, 62,5% linh kiện ôtô phải được sản xuất trong khối NAFTA để đảm bảo được điều kiện hưởng mức thuế 0% giữa 3 nước thành viên. Mỹ và Mexico cũng đồng ý đối với quy định nguồn gốc của sản phẩm công nghiệp như sản phẩm hóa học, thép, kính và sợi quang học.

Nằm trong điều kiện để hướng mức thuế bằng 0, các nhà đàm phán Mỹ và Mexico thống nhất cần đạt được 40-45% tỷ lệ lao động của hai nước dành cho hoạt động lắp ráp ôtô và họ phải được hưởng mức lương ít nhất 16 USD/giờ cho công việc này.

Nội dung này được coi là thắng lợi dành cho cả Mỹ và Canada vì hai nước này thường than phiền về việc người lao động Mexico chỉ được hưởng mức lương thấp.

[Liệu Canada có đang bị cô lập ngay tại chính khu vực "sân nhà"?]

Thứ tư, những thỏa thuận nào khác đạt được giữa Mỹ và Mexico? Ô tô là chủ đề chính trong các cuộc đàm phán, song Mỹ và Mexico còn đạt được đồng thuận trên một số vấn đề khác.

Vấn đề quan trọng nhất trong số đó là hai nước đồng ý kèm theo phần phụ lục của “Chương về Lao động,” trong đó yêu cầu Mexico phải thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để công nhận quyền đàm phán tập thể.

Các nhà hoạt động dân chủ và các nhóm bảo vệ người lao động ở Mỹ thường chỉ trích mạnh việc thiếu hụt điều khoản này trong NAFTA trước đây, cho rằng điều đó làm giảm vai trò của công đoàn, cản trở yêu cầu tăng lương cho người lao động và khiến người công nhân Mỹ không thể cạnh tranh được với những người làm cùng ngành nghề ở Mexico.

Đại diện Thương mại Mỹ nhấn mạnh các nghĩa vụ đối với người lao động sẽ là nội dung cốt lõi trong thỏa thuận NAFTA “mới” và bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện.

Mỹ và Mexico cũng cập nhật “Chương về Tiếp cận Thị trường” so với thỏa thuận NAFTA “cũ” và bổ sung một chương mới về “Hàng dệt may” trong quan hệ thương mại Mỹ-Mexico.

Hai nước nhất trí những tiêu chuẩn về công nghệ sinh học đối với các sản phẩm nông nghiệp và kèm theo phần phụ lục chứa đựng các nội dung liên quan mà Mỹ và Mexico đã chấp nhận theo tiêu chuẩn của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây.

Ngoài ra, hai nước này còn đạt được các thỏa thuận về dịch vụ tài chính, môi trường, thương mại số, các chỉ dẫn về địa lý và quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ năm, có những bất đồng nào giữa Mỹ và Canada cũng như giữa 3 nước thành viên trong đàm phán NAFTA “mới”? Vấn đề lớn nhất của Mỹ và Canada là điều khoản tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm làm từ sữa.

Canada muốn duy trì sự bảo hộ đối với các nhà sản xuất trong nước - vấn đề khiến Tổng thống, Quốc hội và giới doanh nghiệp Mỹ phản ứng giận dữ.

Thủ tướng Trudeau khẳng định sẽ không cho phép NAFTA “mới” làm suy yếu chính sách này của Canada, trong khi Tổng thống Trump yêu cầu Canada chấm dứt chính sách này.

Ba nước thành viên cũng có một số bất đồng, bao gồm việc Canada phải chấp nhận thỏa thuận song phương vừa đạt được giữa Mỹ với Mexico nếu NAFTA 2.0 là một phần thuộc NAFTA 3 bên.

Ba nước này còn phải tiếp tục đàm phán về việc giải quyết tranh chấp, bảo vệ nhà đầu tư và một số thủ tục hành chính.

Mỹ và Mexico đã nhất trí về “điều khoản hoàng hôn” (tự động kết thúc NAFTA trong 5 năm) và nội dung này cần được Canada đồng ý- vấn đề then chốt mà Canada kiên quyết phản đối thời gian qua.

Tuy nhiên, điều khoản này được Mỹ và Mexico sửa đổi so với đề nghị ban đầu của Mỹ, theo đó NAFTA sẽ được các bên đánh giá lại sau 6 năm và nếu các bên không nhất trí gia hạn thì Hiệp định sẽ tự động chấm dứt sau 10 năm kể từ thời điểm bắt đầu tiến trình đánh giá lại.

Theo quy định này, các bên cũng có nghĩa vụ rà soát việc thực hiện NAFTA theo từng năm để tìm ra những vấn đề bất đồng cần giải quyết. Ngoài ra, Canada và Mexico nhiều khả năng sẽ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ đánh thuế đối với nhôm và thép của hai nước này trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Thứ sáu, thời gian còn lại của đàm phán không còn nhiều. Ba nước thành viên NAFTA đang cố gắng đạt được một thỏa thuận vào cuối tuần này, xuất phát từ 2 yếu tố sau:

Một là, luật pháp của Mỹ quy định chính quyền phải đệ trình Quốc hội bản thông báo liên quan ý định ký kết một thỏa thuận thương mại mới để Quốc hội có 90 ngày xem xét.

Hai là, Tổng thống đắc cử Mexico sẽ chính thức nắm quyền từ ngày 1/12/2019. Nếu một thỏa thuận không được đệ trình Quốc hội Mỹ trong tuần này thì thỏa thuận đó sẽ phải đợi đến tận sau khi Mexico có chính quyền mới để ký kết.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mexico lại muốn NAFTA “mới” được ký kết sau đó để xây dựng tín nhiệm chính trị cho chính quyền của ông. Sau khi ký kết, NAFTA “mới” tiếp tục trải qua tiến trình phê chuẩn ở mỗi nước thành viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục