Ngày 29/5, giá dầu thế giới tăng nhẹ, khi các thị trường cân nhắc tác động từ thỏa thuận nâng trần nợ tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới và các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), vốn có thể hạn chế nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 12 xu Mỹ (0,2%) lên 77,07 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 25 xu Mỹ (0,3%) lên 72,92 USD/thùng.
Hoạt động giao dịch phiên này không mấy sôi nổi, khi thị trường Anh và Mỹ đang nghỉ lễ.
Công ty môi giới giao dịch hàng hóa Liquidity Energy LLC nhận định sự phấn khích về thỏa thuận nâng trần nợ đang giảm dần giữa những lo ngại về một đợt tăng lãi suất khác của Fed vào tháng Sáu.
[Thỏa thuận sơ bộ về nâng trần nợ của Mỹ "tiếp sức" cho giá dầu]
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận đình sơ bộ về nâng trần nợ công và hạn chế chi tiêu của chính phủ trong hai năm tới.
Cả hai nhà lãnh đạo đều bày tỏ tin tưởng rằng các nhà lập pháp của lưỡng đảng sẽ ủng hộ thỏa thuận này.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng bất kỳ sự hỗ trợ nào đối với giá dầu từ thỏa thuận trên chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Theo công cụ phân tích FedWatch của CME, thị trường đang dự đoán có 50% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 13-14/6.
Tại cuộc họp chính sách gần nhất diễn ra từ ngày 2-3/5, Fed đã đánh đi tín hiệu sẵn sàng tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ đầu những năm 1980 trong tháng Sáu.
Song, số liệu thống kê cuối tuần trước cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng Tư và lạm phát tăng nhanh hơn.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát của Mỹ, đã tăng trong tháng Tư vừa qua, đảo ngược đà suy giảm những tháng gần đây và làm dấy lên lo ngại về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới.
Các chuyên gia cho rằng môi trường lãi suất cao hơn của Mỹ là một trở ngại đối với nhu cầu dầu thô.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 4/6.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman đã đánh đi tín hiệu về khả năng OPEC+ có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, bình luận từ các quan chức Nga, trong đó có Phó Thủ tướng Alexander Novak, cho thấy nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới đang nghiêng về việc giữ nguyên sản lượng./.