Sau sự kiện trạm thu phí Cai Lậy, các dự án BOT toan tính giảm giá

Hàng loạt các nhà đầu tư dự án BOT đang tính toán đến phương án điều chỉnh giảm giá thu phí BOT sau hệ lụy từ trạm Cai Lậy bị cánh tài xế phản đối gay gắt thời gian vừa qua.
Sau sự kiện trạm thu phí Cai Lậy, các dự án BOT toan tính giảm giá ảnh 1Hàng loạt dự án BOT thu phí đang vấp phải sự phản đối người dân. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Hàng loạt các nhà đầu tư dự án BOT đang tính toán đến phương án điều chỉnh giảm giá thu phí BOT sau khi thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét giảm mức thu đối với một số chủng loại phương tiện và người dân sinh sống quanh khu vực trạm thu phí cũng như lo ngại hệ lụy từ trạm Cai Lậy vừa qua.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét cho điều chỉnh giảm mức phí qua trạm cho các phương tiện (thuộc loại phải thu phí khi qua trạm) của người dân và doanh nghiệp sinh sống, hoạt động gần khu vực trạm thu phí trên địa bàn.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 3 trạm thu phí BOT, tại các vị trí Km1148+1300, huyện Hoài Nhơn, tuyến Quốc lộ 1; Km1212+550, thị xã An Nhơn tuyến Quốc lộ 1 và Km49+550, huỵện Tây Sơn, tuyến Quốc lộ 19.

[“Không có chuyện Nhà nước bỏ tiền ngân sách mua lại trạm phí Cai Lậy”]

Trong các đợt tiêp xúc cử tri, người dân sinh sống gần khu vực trạm thu phí thường xuyên kiến nghị các nội dung liên quan đến vị trí trạm thu phí và mức phí qua trạm, vấn đề này Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã giao Sở Giao thông Vận tải kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của ngành giao thông, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết.

Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giảm 50% vé quý, vé tháng giảm 40% và vé lượt trong phạm vi cách trạm 3km giảm 20% đối với phương tiện khi qua trạm) của người dân và doanh nghiệp sinh sống, hoạt động gần khu vực trạm thu phí trên địa bàn.

Bộ Giao thông Vận tải mới đây cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh xây dựng phương án giảm giá dịch vụ tại trạm Quán Hàu đảm bảo hài hòa lợi ích các bên trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến tính khả thi về phương án tài chính của 2 dự án BOT Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Đồng Hới và dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn K672+600-Km704+900 tỉnh Quảng Bình.

Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Sở Giao thông Vận tải và Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận (nhà đầu tư BOT tuyến tránh Biên Hòa và nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1) về việc miễn, giảm mức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các hộ dân xung quanh trạm thu phí Km 1842+912 (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom).

[Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT]

Trước đó, trong tháng Sáu vừa qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải xem xét giảm giá thu phí cho các hộ dân sống quanh trạm khi người dân tiếp tục bày tỏ bức xúc trước những bất hợp lý của trạm này.

Một dự án BOT cũng đang nhận nhiều phản ứng từ phía người dân và lái xe tại An Giang, Kiên Giang đó là trạm thu phí T2 đặt tại Km 50+050 quốc lộ 91, đoạn qua khu vực Thới Hòa 1, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ .

Trạm phí này được đặt ở cuối quốc lộ 91 ngay sát nút giao của Quốc lộ 80 từ Kiên Giang lên nên xe đi từ Quốc lộ 80 đi vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng chưa tới 500m trên tuyến nối BOT.

Đồng thời chiều ngược lại, xe từ Thành phố Hồ Chí Minh qua phà Vàm Cống (An Giang) hoặc xe ở An Giang muốn đi ra Quốc lộ 80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT.

[Dân phản ứng chặn xe với hàng loạt trạm thu phí BOT “đặt nhầm chỗ”]

Với lùm xùm và lo sợ hệ lụy từ trạm Cai Lậy vừa qua, từ ngày 10-14/8 vừa qua, chủ đầu tư đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các cơ quan ban ngành của các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ nhằm thống nhất các nội dung về miễn, giảm giá dịch vụ cho phương tiện qua lại trạm T1, T2 theo danh sách xem xét, đề nghị của các địa phương.

Theo đó, các cơ quan liên quan đã thống nhất miễn giảm 100% cho 284 xe là các loại xe buýt, xe khách phục vụ vận chuyển hành khách công cộng chạy tuyến cố định sử dụng quãng đường BOT hướng từ tỉnh Kiên Giang (Quốc lộ 80( về tỉnh An Giang (Quốc lộ 91) và ngược lại, phương tiện của người dân sinh sống có hộ khẩu thường trú trong phạm vi lân cận trạm thu phí T1 và T2. Theo kế hoạch, dự kiến việc miễn, giảm bắt đầu từ ngày 1/9.

[Bất cập các dự án BOT: Không nhà đầu tư nào muốn làm đường?]

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT cũng đang được nhà đầu tư hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để nghiệm thu hoàn thành đưa dự án vào khai thác sử dụng và thu phí chính thức dự kiến trong tháng 9 tới tại vị trí đặt trạm Km11+625, Quốc lộ 38 thuộc địa phận xã Tân Chi, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Để tạo điều kiện cho người dân ở khu vực xung quanh vị trí đặt trạm thu phí khi lưu thông qua trạm, Công ty cổ phần BOT38 đã khảo sát các phương tiện ôtô của nhân dân quanh trạm thu phí, phạm vi ảnh hưởng của các hộ dân có ô tô xung quanh vị trí đặt trạm thuộc huyện Tiên Du và Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh và Công ty Cổ phần BOT3 8 chưa xác định cụ thể phạm vi ảnh hưởng của các hộ dân có ôtô xung quanh vị trí đặt trạm. Vì thế, nhà đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, hướng dẫn nhằm xác định mức độ bán kính ảnh hưởng làm cơ sở lập danh sách đối tượng được giảm giá; xây dựng phương án giá (tỷ lệ giảm giá); tính toán phương án tài chính trình Bộ chấp thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục