Sầu riêng ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích

Nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường, Kang Lili - một người cực kỳ yêu thích sầu riêng, gần đây đã tự thưởng cho mình những trái sầu riêng ngon lành mà không cần để ý đến giá của chúng.
Lô sầu riêng đầu tiên của thành phố Cần Thơ được xuất khẩu sang Trung Quốc ngày 17/3. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Được biết đến là “vua của các loại trái cây” ở Đông Nam Á, sầu riêng ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích nhờ hương vị đậm đà và độc đáo.

Tuy nhiên, giá của loại trái cây này khá cao, khiến nhiều người khó có thể thưởng thức nó.

Gần đây giá sầu riêng đang có dấu hiệu giảm nhờ sản lượng bội thu ở các nước Đông Nam Á, cùng với Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tạo điều kiện cho việc thiết lập các kênh logistics quốc tế giữa Trung Quốc và các quốc gia dọc theo tuyến đường này.

Kang Lili, một người cực kỳ yêu thích sầu riêng, gần đây đã tự thưởng cho mình những trái sầu riêng ngon lành của Thái Lan mà không cần để ý đến giá của chúng.

Cô Kang, một người dân ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) cho hay hồi tháng 4/2023, giá 1kg sầu riêng rơi vào khoảng 100 nhân dân tệ (khoảng 13,87 USD), nhưng trong tháng 6/2023, giá đã giảm xuống còn hơn 40 nhân dân tệ/kg.

Các kênh logistics quốc tế trên đã thúc đẩy đáng kể thương mại và giảm thời gian vận chuyển giữa các vùng sản xuất sầu riêng ở Đông Nam Á và các khu vực nội địa của Trung Quốc.

Năm 2017, các tỉnh miền tây Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN đã cùng nhau khởi động Hành lang thương mại đất liền-biển quốc tế mới, với Trùng Khánh là trung tâm vận tải. Hành lang này là một trong những chương trình lớn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

[Đồng Nai lần đầu xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc]

Trước khi ra mắt hành lang thương mại này, sầu riêng từ các nước Đông Nam Á phải được vận chuyển bằng đường biển đến các thành phố phía Đông của Trung Quốc trước khi được vận chuyển đến các khu vực phía tây. Thời gian vận chuyển dài và chi phí cao khiến việc thâm nhập thị trường miền Tây Trung Quốc trở nên khó khăn và khách hàng ở đó phải chịu giá sầu riêng cao hơn.

Ngày 11/6, một chuyến tàu chở khoảng 500 tấn sầu riêng tươi của Thái Lan đã đến Trùng Khánh, đánh dấu sự cập bến trực tiếp của lô sầu riêng đầu tiên của Thái Lan tại Trùng Khánh thông qua Hành lang Thương mại Đất-Biển Quốc tế Mới.

Deng Haoji, giám đốc phụ trách điều hành Hongjiu Fruit, Công ty thu mua sầu riêng, cho biết toàn bộ hành trình chỉ mất 4 ngày so với 8 đến 10 ngày đối với các tuyến đường bộ-biển trước đây.

Hành lang này hiện bao gồm 61 thành phố ở 18 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc và đã mở rộng tới 393 cảng ở 119 quốc gia và khu vực. Từ tháng 1-4/2023, Trùng Khánh đã ghi nhận 51.000 contianer hàng hóa tương đương 20 foot (TEU) được vận chuyển qua hành lang này, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trị giá hàng hóa đạt hơn 7,88 tỷ NDT, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022.

Pornlert Chanto, chủ sở hữu của một vườn sầu riêng ở Thái Lan, đã hoanh nghênh việc triển khai hành lang này. Ông Chanto, cũng là nhà cung cấp chính cho Hongjiu Fruit, cho biết vấn đề logistics đã được cải thiện rất nhiều. Nhu cầu thị trường của Trung Quốc đang tăng nhanh và thị trường Trung Quốc có tầm quan trọng rất lớn đối với vườn trái cây này. Nhờ đơn đặt hàng của Trung Quốc ngày càng tăng, doanh thu của vườn cây ăn trái của Chanto đã tăng từ khoảng 3 triệu nhân dân tệ năm 2018 lên 3,5 triệu nhân dân tệ vào năm 2022.

Ngoài sầu riêng, các đặc sản khác của Đông Nam Á như thanh long Thái Lan, càphê Indonesia, bia Lào và cá basa Việt Nam cũng đang nhanh chóng thâm nhập thị trường Trung Quốc thông qua hành lang thương mại này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục