Sâu ong tại Bắc Kạn từng xuất hiện 20 năm trước

Thời gian gần đây một loại sâu ong hại cây mỡ đã xuất hiện tại 8 xã huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, gây thiệt hại nhiều cho nông dân.
Thời gian gần đây một loại sâu ong hại cây mỡ đã xuất hiện tại 8 xã phía Nam huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Tốc độ sinh trưởng cũng như phát tán của loại sâu này rất nhanh và khó kiểm soát, gây thiệt hại nhiều cho nông dân.

Ông Đặng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Kạn, cho biết ngày 6/2, Đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các xã có dịch và nhận thấy đây không phải là loại sâu hại cây mỡ mới xuất hiện như phản ánh của người dân.

Loại sâu này đã từng xuất hiện cách đây gần 20 năm tại huyện Ba Bể và đã được ngành nông nghiệp dập dịch thành công.

Từ giữa tháng 8/2011, sâu ong ăn lá mỡ đã gây hại 17,4ha rừng mỡ 3-4 năm tuổi tại xã Phong Huân và thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, trong đó có khoảng 0,4ha rừng mỡ bị ăn trụi.

Đến cuối tháng 9, đầu tháng 10, mật độ phổ biến 50-100 con/cây, cao 300 con/cây, cá biệt 600 con/cây. Mặc dù đã được cơ quan chuyên môn tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật phòng trừ nhưng do nông dân chủ quan, phun trừ muộn nên hiệu quả phòng trừ không cao.

Đến đầu tháng 12/2011, sâu đã lây lan sang các xã lân cận như Bằng Lãng, Đại Sảo, Phương Viên, Nghĩa Tá, Bình Trung, Rã Bản, Đông Viên... mật độ phổ biến 100-200 con/cây, cao 300-400 con/cây, cá biệt 600 con/cây.

Tính đến nay tổng diện tích nhiễm sâu trên toàn huyện Chợ Đồn đã lên đến 149,7ha.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại và từng bước diệt trừ loài ong có hại này, ông Sơn cho biết thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ có những phương án cụ thể để khoanh vùng tiêu diệt loại sâu này. Hiện nay, sâu ong đang ở giai đoạn nhộng, mật độ nhộng phổ biến từ 20-25 con/m2 , cao 30 con/m2 .

Do thời tiết thời gian qua rét đậm, rét hại kéo dài nên trưởng thành sâu ong vũ hóa chậm hơn so với cùng kỳ năm 2011, dự báo khoảng giữa tháng 2 trưởng thành sẽ vũ hóa rộ, nếu không phòng trừ kịp thời sâu sẽ lây lan ra diện rộng và ăn trụi lá mỡ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của rừng mỡ từ cuối tháng 2 năm nay./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục