Theo thông tin từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro - đơn vị quản lý, vận hành đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông), sau 26 tháng vận hành (ngày 6/11/2021-6/1/2024), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô Hà Nội đã vận chuyển được gần 20 triệu lượt hành khách.
Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Hanoi Metro cho biết quá trình vận hành tuyến đường sắt này đã đạt nhiều kỷ lục như trong tháng 9/2023, tàu Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được con số trên 1 triệu lượt hành khách.
Cá biệt, trong ngày mùng 2/9/2023 tàu Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển được số lượng khách cao nhất lên tới 56.000 lượt khách. Trong một ngày làm việc, không phải ngày nghỉ lễ (tức ngày 28/9/2023) tàu đã vận chuyển được 37.000 lượt hành khách.
Ông Trường cũng đánh giá khi mới vận hành, vào các ngày cuối tuần, tàu vận chuyển được trên dưới 30.000 hành khách. Hiện tại, con số này từ 22.000-24.000 hành khách. Tuy nhiên, vào các ngày làm việc, lượng hành khách dao động trong khoảng 35.000-36.000.
“Lượng khách đi trải nghiệm tàu đã giảm, thay vào đó khách là người đi học, đi làm… có nhu cầu đi tàu thực sự, thường xuyên đã được duy trì, góp phần giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên hành lang dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chạy qua,” Tổng giám đốc Công ty Hanoi Metro nhìn nhận.
Khẳng định tàu Cát Linh-Hà Đông đã chứng minh bằng thực tiễn về tính ưu việt của phương thức vận tải nhanh, khối lớn, văn minh và hiện đại, ông Trường cho rằng việc vận hành tuyến đường sắt đô thị này giúp thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa giao thông.
“Trước đây khi tiếp cận các ga để lên tàu, hành khách thường phản ứng, thậm chí là bức xúc vì không có chỗ để xe máy, xe đạp thì nay nhiều hành khách chấp nhận bỏ xe cá nhân đi bộ với cự ly từ 1-2km để đến ga, lên tàu đi học, đi làm, điều này góp phần hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông đô thị,” ông Trường nói.
Để một tuyến Metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, Công ty Hanoi Metro luôn lắng nghe tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa biểu đồ, phương thức vận hành nhằm đảm bảo thuận lợi tốt nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố, quá trình này liên tục cải tiến và không ngừng nghỉ.
Mặt khác, Metro Cát Linh-Hà Đông áp dụng chính sách giá vé rẻ và hết sức linh hoạt, hấp dẫn và tạo sự công bằng khi đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít và kết quả về lượng vé ngày rất lớn ngoài mong đợi. Điều này rất phù hợp ở các đô thị khi người dân đi cự ly ngắn và trung bình là chủ yếu.
'Metro Cát Linh-Hà Đông thay đổi thói quen đi lại của người dân'
Đưa ra thông tin từ ngày 6/11/2023 dự án hết 24 tháng (2 năm) bảo hành, theo ông Trường, từ tháng 11/2023 đến nay, các đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông hoàn toàn do đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và lái tàu là người Việt Nam, cụ thể là Công ty Hanoi Metro.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào sáng 28/12, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh việc phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra, trong đó việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là xương sống của vận tải hành khách công cộng.
Theo quy hoạch hiện nay thành phố Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6 km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,05 tỷ USD.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thừa nhận thực tế hiện nay mới chỉ hoàn thành được 13km (tuyến 2A, đoạn Cát Linh-Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến 3 đoạn Nhổn-Ga Hà Nội), theo đó để hoàn thành được 404,8km còn lại trong 12 năm tới (đến năm 2035) kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỷ USD (tương đương khoảng 850.000 tỷ đồng)./.