Sau hàng chục trận dư chấn động đất, Sơn La đã qua ‘đỉnh’ nguy hiểm?

Liên tiếp từ ngày 27/7 đến nay, tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã liên tiếp xảy ra 22 trận động đất, trong đó trận động đất mạnh nhất có độ lớn 5,4 đã gây rung lắc một số khu vực...
Bản đồ chấn tâm trận động đất có độ lớn 5,3 xảy ra tại huyện Mộc Châu ngày 27/7/2020. (Nguồn: Viện VLĐC)

Trong 5 ngày qua, tại khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã liên tiếp xảy ra 22 trận động đất, trong đó trận động đất mạnh nhất có độ lớn 5,3 xảy ra trưa 27/7, đã kéo theo dư chấn gây rung lắc tại một số khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, khiến khiến không ít người dân giật mình, hoang mang, lo lắng.

Gần đây nhất, vào lúc 5 giờ 31 phút sáng nay (1/8), một trận động đất có cường độ 3,6 lại tiếp tục xảy ra tại huyện Mộc Châu, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km.

Vậy những trận động đất trên có gì đáng lo ngại? Liệu sau trện động đất 5,3 kéo theo hàng chục dư chấn động đất trên, Sơn La có tiếp tục xảy ra động đất lớn hơn?

Thông tin với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khẳng định hầu hết các trận động đất vừa xảy ra tại tỉnh Sơn La là động đất nhỏ, hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên.

Riêng trận động đất đầu tiên có độ lớn 5,3 có thể coi là động đất trung bình. Chính trận động đất này đã gây ra hàng loạt dư chấn động đất sau đó. Tuy nhiên, hầu hết các trận dư chấn động đất sau đó đều có độ lớn nhỏ, cao nhất cũng chỉ dưới 4,0.

“Như vậy, có thể nhận định chuỗi động đất xảy ra ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã qua đỉnh nguy hiểm,” phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều nhấn mạnh.

[Động đất mạnh nhất 10 năm qua ở Sơn La, gây rung lắc tại Hà Nội]

Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng cũng lưu ý, nếu cường độ động đất tăng dần, cao hơn, ví dụ từ 5,3 lên 6, lên 7,… mới đáng lo ngại. Còn sau trận động đất lớn nhất, nếu xuất hiện các trận động đất nhỏ hơn thì không có gì nguy hiểm.

Dẫn ví dụ từ thực tiễn, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều cho biết năm 1935, ở tỉnh Điện Biên đã từng xảy ra trận động đất có độ lớn 6,7. Đến năm 1983, ở huyện Tuần Giáo lại xảy ra một trận động đất có độ lớn 6,8. Đây là hai trận động đất mạnh nhất đã ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam từ trước cho đến bây giờ.

Tuy nhiên, những trận động đất trên cũng không phải là động đất quá lớn và sau đó cũng đã xảy ra vài trăm trận dư chấn kéo dài, trong đó có rất nhiều dư chấn nhỏ mà con người không cảm nhận được. Các dư chấn đều giảm dần về độ lớn và dứt hẳn.

Một nhà ở của người dân xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bị thiệt hại. (Ảnh: TTXVN phát)

“Do vậy, hàng chục dư chấn xảy ra tại huyện Mộc Châu trong những ngày qua là hết sức bình thường và phù hợp với quy luật tự nhiên,” phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều khẳng định và cho biết theo dự báo của giới khoa học, khả năng động đất có thể xảy ra ở khu vực tỉnh Sơn La nếu “tới đỉnh” cũng không quá 7.

Có chung quan điểm, tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng thông thường, một trận động đất có độ lớn 5,3 như trên có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi cả trăm kilômét và kéo theo nhiều dư chấn trong nhiều ngày, nhưng không quá nguy hiểm.

Dù vậy, sau trận động đất trên, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu cũng đã cử hai đoàn công tác lên Mộc Châu để kiểm tra, đánh giá dư chấn và mức độ ảnh hưởng do động đất, cũng như tiến hành lắp đặt 2 máy đo dư chấn trên địa bàn các xã Nà Mường và Tân Lập, huyện Mộc Châu.

Hiện tại, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi dư chấn các trận động đất vừa xảy ra.

Mặc dù nhận định là động đất ở khu vực huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đã qua “cơn nguy hiểm,” song giới chuyên gia nghiên cứu về động đất cũng lưu ý: Sơn La là tỉnh thuộc khu vực có nguy cơ tiềm ẩn cao về động đất, nằm trên đới đứt gãy sông Đà đang hoạt động địa chất diễn ra tương đối mạnh.

Vì thế, chính quyền địa phương cần chủ động rà soát lại các công trình xây dựng có kết cấu yếu; rà soát lại các khu vực triền sông, triền núi dễ xảy ra nguy cơ sạt lở đất, đá lăn để cắm biển cảnh báo, chủ động ngăn ngừa người dân qua lại.

Cùng với đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền phòng, phổ biến giáo dục về động đất đến người dân địa phương để người dân có phương án chủ động di dời...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành các Công điện yêu cầu khẩn trương kiểm tra, khắc phục hậu quả động đất. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục thông tin kịp thời về động đất, dư chấn động đất cho người dân, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, các địa phương chủ động bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục