Sau gói 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được hỗ trợ

Bộ Xây dựng cho biết sau gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, người mua nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được hỗ trợ gói tín dụng này theo Luật Nhà ở mới.
Sau gói 30.000 tỷ đồng, nhà ở xã hội vẫn tiếp tục được hỗ trợ ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Theo như Thông tư số 11 của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất hỗ trợ nhà ở sẽ kết thúc vào 30/6/2016. Chỉ còn chưa đầy năm là đến thời hạn này khiến nhiều người lo lắng sẽ mất đi cơ hội được hưởng ưu đãi từ gói tín dụng này.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết nếu căn cứ theo Nghị quyết số 61 về sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 02 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc vay vốn từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì thời hạn hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân tăng lên mức tối đa là 15 năm khi vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại.

Cùng đó, đối tượng thụ hưởng cũng được mở rộng hơn với loại hình nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán không quá 15 triệu đồng/m2 hay hoạt động xây mới và cải tạo nhà với số tiền không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Đồng thời cũng sẽ có thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định được tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở.

Như vậy, cùng một gói hỗ trợ này sẽ có hai phần tách biệt giữa nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Với loại hình nhà ở xã hội vẫn tiếp tục triển khai gói tín dụng này theo Luật Nhà ở mới.

Khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội được phân công tiếp tục triển khai cho vay theo các chính sách mới. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét về đề xuất yêu cầu các ngân hàng thương mại trích một tỷ lệ dư nợ nhất định để cho vay đối với nhà ở xã hội. Do đó, phân khúc nhà ở xã hội luôn được ưu tiên và sự hỗ trợ được xác định phải tiếp tục thực hiện lâu dài. Riêng nhà ở thương mại thì Chính phủ sẽ tùy thuộc vào diễn biến thực tế của thị trường để cân nhắc về khả năng tiếp tục duy trì hỗ trợ.

Số liệu thống kê từ Cục quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho thấy tính đến hết tháng 7/2015, tổng số tiền cam kết giải ngân trong gói tín dụng ưu đãi này đã đạt 17.045 tỷ đồng và giải ngân thực tế đạt 10.141 tỷ đồng.

Mặc dù tốc độ giải ngân vẫn còn chậm, chưa đạt kết quả như kỳ vọng nhưng quan điểm của phía Bộ Xây dựng cũng như Ngân hàng Nhà nước là phải đảm bảo các thủ tục pháp lý, đưa dòng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và tiếp tục bổ sung nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Những cơ chế, chính sách tín dụng linh hoạt tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để cung cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, hỗ trợ đối tượng thu nhập trung bình, ổn định có khả năng mua nhà ở là mong đợi của nhiều người.

Về phía các ngân hàng cũng cần nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện quy trình về tín dụng bất động sản với nhiều sản phẩm tín dụng đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng loại hình bất động sản, nhất là nhà ở; đồng thời xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, quy định tỷ lệ an toàn giữa dư nợ bất động sản với tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ cho vay với số huy động để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục