Sau đại họa băng giá, rừng Điện Biên lại đối mặt "giặc lửa"

Sau đại họa băng giá làm nhiều cây chết khô, rừng Điện Biên đang đối mặt đại họa “giặc lửa” do nắng nóng và thói quen đốt nương rẫy của dân.
Sau đại họa băng giá, rừng Điện Biên lại đối mặt "giặc lửa" ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Đã 2 ngày qua, hàng trăm người là các cán bộ, chiến s​ỹ kiểm lâm, dân quân tự vệ huyện Điện Biên và người dân các bản ở xã Nà Tấu, Nà Nhạn vẫn đang chiến đấu quyết liệt chống lại “giặc lửa”.

Đợt rét kỷ lục gây ra băng giá trên địa bàn tỉnh Điện Biên hồi cuối tháng 1/2016 đã làm gần 4.000ha rừng chết và gẫy đổ, khiến cho nguy cơ cháy đã lên đến đỉnh điểm.

Chúng tôi có mặt tại bản Hua Rốm (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên) vào sáng ngày 10/3. Ngước mặt lên nhìn những dãy núi trải dài xa tít tắp chỉ thấy một màu xám xịt và đen nhẻm, phần do cây rừng đã chết rét bởi đợt băng giá, phần do trận cháy rừng dữ dội trong suốt những ngày vừa qua.

Ông Lò Văn Ún, cán bộ bảo lâm xã Nà Tấu cho biết: lực lượng Kiểm lâm, Dân quân tự vệ và nhân dân 2 bản đã triển khai lên núi từ sáng sớm. Hiện lực lượng này đang tổ chức đi kiểm tra, dập tắt các vùng lửa còn lại để khống chế không cho lan rộng; đồng thời tổ chức làm các đường băng cản lửa, cách ly vùng cháy ra khỏi những cánh rừng còn lại.

Ngay khi đang trao đổi với chúng tôi, Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng của xã lại nhận được thông tin đám cháy lại bùng phát ở khu vực bản Xôm phía lân cận, Trung đội dân quân tự vệ của xã vừa tập hợp đến lại lên đường chiến đấu với giặc lửa.

Theo chân đơn vị này, chúng tôi tiếp cận bản Xôm, từ đó đi bộ ngược dốc mất gần 1 giờ mới đến được cánh rừng đang bốc khói. Đây là khu vực mới xảy ra cháy sáng 10/3, giờ phía xa xa trên đỉnh núi lại đang bốc lên những cột khói trắng, báo hiệu đám cháy đã bùng phát dữ dội.

Sau hơn 1 giờ tiếp theo để tiếp cận đám cháy, các chiến sĩ dân quân tự vệ lại khẩn trương lao vào dập lửa, phát đường băng cản bao vây quanh khu vực rừng cháy. Hối hả quần nhau với giặc lửa trong cánh rừng trơ trọi, khô khốc do đã bị chết, bị gãy đổ do bị băng tuyết cách đây hơn 1 tháng, đơn vị rút quân trở lại khu lán nương nằm dưới chân núi để chờ nhiệm vụ tiếp theo.

Ông Lò Văn Tưởng, Trung đội trưởng Trung đội dân quân tự vệ cơ động xã Nà Tấu cho biết: Vào khoảng 3 giờ ngày 9/3, đám cháy đã bùng phát tại diện tích rừng ở 2 bản Hua Rốm 1 và 2. Sau đó, nhân dân trong bản đã tổ chức đi chữa cháy nhưng không dập nổi.

Đến khoảng 10 giờ, xã Nà tấu và huyện Điện Biên đã tổ chức lực lượng lên chữa cháy, tuy nhiên mới chỉ dập được những đám cháy nhỏ, dập tắt được 2/3 diện tích cháy, đến tối cùng ngày, do sương xuống, độ ẩm tăng lên nên đám cháy đã tự tắt. Ngày 10/3, lực lượng chữa cháy rừng của xã tiếp tục lên để xử lý phần còn lại. Theo ông Tưởng, do địa hình dốc dựng đứng, rừng đã chết khô từ nhiều ngày qua khiến cho công tác chữa cháy vô cùng khó khăn.

Trở lại khu vực nơi Ban chỉ huy Phòng chống cháy rừng huyện đang thường trực chỉ huy tại bản Hua Rốm, chúng tôi được biết các tổ đi chữa cháy tại địa bàn này vẫn đang triển khai công việc trên đỉnh núi. Họ mang theo cơm nắm để ăn, nghỉ trưa dưới những cánh rừng đã chết khô, dưới cái nắng như thiêu đốt của vùng gió Lào. Có lẽ đến tối họ mới có thể về nhà. Ngay lúc đó, thông tin từ các địa bàn khác của xã Nà Nhạn lại dồn dập báo về là đã xuất hiện tiếp các đám cháy rừng mới xuất hiện.

Ông Quàng Văn Phanh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên cho biết hiện tại các đám cháy đang còn thưa thớt, đến trưa 10/3 do nắng và gió đám cháy có thể phát sinh to hơn. Với tình hình này, diễn biến cháy hoàn toàn có thể phát sinh thêm. Ở các địa bàn khác như bản Nà Cái, bản Xôm cùng nằm trên dãy núi này hiện cũng đang xảy ra cháy.

Lực lượng tại chỗ đang triển khai dập lửa nhưng có thể bùng phát thành cháy lớn. Diện tích bị ảnh hưởng cháy ước tính khoảng trên dưới 100ha. Đối tượng cháy hiện nay hoàn toàn nằm trong khu vực rừng bị rét đậm - rét hại. Cây bị chết đứng, cành và lá rụng xuống tạo nên vật liệu cháy dày và dễ cháy, chỉ cần 1 mồi lửa là sẽ bùng lên và cháy rất nhanh. Ngày 9/3, các lực lượng tham gia đã tổ chức phát đường băng cản lửa rộng 5-7m nhưng lửa cháy quá lớn nên vượt qua đường băng này.

Rút kinh nghiệm, ngày 10/3 lực lượng chữa cháy đã phát đường băng rộng hơn, từ 7-10m để có thể bao vây được khu vực đó. Ông Phanh cho biết thêm ngày 9/3, đã có 1 tổ gồm 4 người trong lực lượng tại chỗ của bản Hua Rốm đã bị lửa bao vây không thể thoát ra.

Ban chỉ huy đã dùng điện thoại liên lạc, chỉ đạo tổ này tìm cách trở vào khu vực đã cháy xong, chờ lửa cháy hết rồi mới thoát ra ngoài. Sau đó 2 giờ, cả tổ đã thoát khỏi đám cháy ra ngoài an toàn…

Sau đợt rét đậm, rét hại khiến băng tuyết bao phủ khắp những cánh rừng trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông…của tỉnh Điện Biên, có thể nói nguy cơ cháy rừng đã lên đến đỉnh điểm.

Nhiều cánh rừng hiện đã chết khô, cành cây bị sức nặng của băng tuyết gãy đổ, tạo nên 1 lớp vật liệu dễ cháy dày đặc dưới gốc. Từ dưới nhìn lên, những dãy núi chạy dài tít tắp không còn màu xanh như mọi năm mà chỉ còn những cành cây khô khốc vươn lên trời như những bó diêm, chỉ chờ 1 mồi lửa là bùng lên thiêu rụi cả cánh rừng hàng trăm ha.

Trong khi đó, hiện đang là mùa nương rẫy, nhiều người dân địa phương vẫn đang vô tư đốt nương, đốt bãi chăn thả, thậm chí có người còn đốt lửa bừa bãi trong rừng chỉ để dồn săn thú. Sau đại họa băng giá, rừng Điện Biên giờ đang đối mặt với đại họa giặc lửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục