Trong phiên giao dịch 5/11, giá dầu tại thị trường châu Á đi lên, sau khi các nhà sản xuất dầu mỏ “lờ đi” lời kêu gọi tăng sản lượng của Mỹ và tiếp tục đó duy trì kế hoạch trước đó.
Vào lúc 15 giờ 5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 53 xu Mỹ (0,7%) lên 81,07 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 96 xu Mỹ (1,2%) lên 79,77 USD/thùng. Giá của hai loại dầu này giảm lần lượt 2% và 2,5% trong phiên trước đó.
Sau cuộc họp chính sách ngày 4/11, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+) đã nhất trí sẽ tiếp tục tuân theo thỏa thuận hiện tại về việc tăng dần sản lượng dầu, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ về việc bơm thêm dầu ra thị trường nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.
Cụ thể, OPEC+ quyết định duy trì mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày theo thỏa thuận đạt được trước đó ba tháng.
[Liệu OPEC và đối tác có tăng mạnh sản lượng để bình ổn giá dầu?]
Chuyên gia phân tích cấp cao Edward Moya thuộc công ty môi giới OANDA có trụ sở tại New York (Mỹ) nhận định cuộc họp vừa qua của OPEC+ bàn về sản lượng diễn ra rất suôn sẻ, nhanh chóng và tổ chức này đã thể hiện rõ quan điểm sẽ không thay đổi chính sách sản lượng.
OPEC+ đã hạn chế nguồn cung dầu thô sau khi đại dịch COVID-19 làm “bốc hơi” nhu cầu tiêu thụ “vàng đen.”
Sau khi chạm mức cao nhất trong bảy năm, giá dầu đã giảm vào đầu tuần này trước đà tăng dự trữ dầu của Mỹ và các dấu hiệu cho thấy giá cao có thể khuyến khích nguồn cung gia tăng.
Theo ước tính, giá dầu Brent đang hướng đến mức giảm gần 4% trong tuần này, tuần giảm thứ hai liên tiếp. Còn giá dầu WTI đang hướng đến mức giảm gần 5% trong cả tuần này.
Trong khi đó, giá xăng bán lẻ tại Mỹ gần mức 4 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). Sau cuộc họp của OPEC+, Nhà Trắng cho biết sẽ cân nhắc sử dụng đầy đủ các công cụ để đảm bảo việc tiếp cận nguồn năng lượng giá cả phải chăng./.