Ngày 28/10, các nhà khoa học liên kết với Trung tâm quốc tế về sinh thái và sinh lý học côn trùng (ICIPE), có trụ sở tại Nairobi (Kenya), thông báo sâu bột chính là một trong những giải pháp đầy hứa hẹn đối với mối đe dọa từ rác thải nhựa.
Các nhà khoa học ICIPE đã phát hiện ấu trùng của một loài bọ cánh cứng, có tên khoa học là Alphitobius, có khả năng tiêu thụ nhựa - vốn là yếu tố gây ô nhiễm môi trường toàn cầu.
Bà Fathiya Khamis, nhà khoa học cấp cao của ICIPE và là nhà nghiên cứu chính của dự án, cho biết các nhà khoa học đã xác định được các vi khuẩn quan trọng trong ruột của sâu bột có khả năng phân hủy nhựa.
Mặc dù thường bị nhầm với những con sâu thông thường, nhưng sâu bột là ấu trùng của bọ cánh cứng sẫm màu. Loại sâu bột này cũng đã được sử dụng trên thế giới để phân hủy nhựa sinh học.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sâu bột ở châu Phi được kiểm chứng có khả năng phân hủy nhựa. Hiện các nhà khoa học cũng đang đánh giá khả năng của loài sâu này trong việc phân hủy nhựa dẻo - một trong những loại vi nhựa chính đang tích tụ nhanh chóng cả trong đất và nước.
Tổng Giám đốc ICIPE, Abdou Tenkouano cho biết nghiên cứu này thúc đẩy các sáng kiến cho nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, nghiên cứu của ICIPE cũng nâng cao kiến thức về xử lý sinh học, sử dụng vi khuẩn để làm sạch các hệ sinh thái, đất và nước bị ô nhiễm./.
Hơn 6 triệu tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trong hệ thống sông, hồ và đại dương
Khối lượng rác thải nhựa trên toàn cầu đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm, từ 156 triệu tấn của năm 2000 lên 353 triệu tấn vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng gần gấp 3 lần lên hơn 1 tỷ tấn vào năm 2060.