Chuyên gia: Hai cơn bão Côn Sơn và Chan Thu tương tác nhau

Sau bão Côn Sơn và Chan Thu: Liệu có xảy ra kịch bản ‘bão chồng bão’?

Theo các chuyên gia khí tượng, trong các tháng 10, 11/2021 vẫn có khả năng xuất hiện các cơn bão liên tiếp, nhưng nguy cơ 5 cơn bão liên tiếp trong 1 tháng gây "bão chồng bão" như năm 2020 là thấp.
Bão Côn Sơn còn phức tạp về cường độ và quỹ đạo.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Côn Sơn (tên quốc tế là Conson) hiện vẫn còn diễn biến phức tạp về cường độ và quỹ đạo. Đáng chú ý, bão Côn Sơn và bão Chan Thu (tên quốc tế là Chanthu) đã có dấu hiệu tương tác nhau.

Về vấn đề này, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chia sẻ với báo chí về diễn biến của cơn bão Côn Sơn khi đi vào đất liền và các phương án cần phòng tránh để giảm nhẹ rủi ro do mưa lũ gây ra.

Bão Chan Thu không đi vào Biển Đông

- Xin ông cập nhật mới nhất về tương tác của hai cơn bão Côn Sơn và Chan Thu hiện nay?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Theo lý thuyết về hiệu ứng Fujiwara (hiện tượng khi hai hoặc nhiều cơn bão hình thành gần nhau), khi hai cơn bão trong khoảng cách 1.500km thì bắt đầu có thể có tương tác. Tuy nhiên, những biểu hiện về quỹ đạo của hai cơn bão trên cho thấy tương tác trong 1-2 ngày qua là khá nhỏ.

Minh chứng là khi bão Côn Sơn bắt đầu đi vào Biển Đông ở khoảng kinh tuyến 120 thì bão Chan Thu ở khoảng kinh tuyến 130, tức là cách nhau khoảng 1.100km. Tuy nhiên, do bão Chan Thu có hoàn lưu tương đối nhỏ nên các tương tác với bão Côn Sơn hầu như không có.

Trong những giờ gần đây, khi bão Chan Thu có xu hướng yếu đi và hoàn lưu mở rộng ra trong khi bão Côn Sơn bắt đầu tăng cấp thì kích thước, cường độ của 2 cơn bão gần gần xấp xỉ nhau nên đã có dấu hiệu tương tác nhưng vẫn yếu.

- Khi 2 cơn bão theo sát nhau sẽ gây ra những tác động nguy hiểm như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Như tôi đã nói, khi hai cơn bão ở trong khoảng cách 1.500km thì sẽ xảy ra tương tác khiến cường độ và quỹ đạo bão thay đổi khó lường.

[Các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa mưa rất to, Hà Nội mưa rào, dông]

Cụ thể là trong khoảng 24-48 giờ tới, các dự báo cho thấy có thể sẽ xảy ra các tương tác khi 2 cơn bão Côn Sơn và Chan Thu có kích thước và cường độ tương đương với cấp 11. Lúc đó, bão Côn Sơn sẽ đổi hướng và di chuyển chậm lại trước khi 2 cơn bão tách hẳn nhau. Và, bão Côn Sơn sẽ tiếp tục hướng vào đất liền.

- Vậy với các mô hình dự báo hiện tại, theo ông, liệu bão Chan Thu có vào Biển Đông và trở thành bão số 6 năm 2021?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Các dự báo mới nhất cho thấy bão Chan Thu sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc sau đó di chuyển theo hướng Bắc. Vì thế, khả năng đi vào Biển Đông là rất ít, chủ yếu di chuyển về phía Đài Loan...

Ít khả năng xuất hiện 5 cơn bão liên tiếp

- Trong mùa mưa bão năm 2020, sau cơn bão số 5 đã có liên tiếp 5 cơn bão xuất hiện trong vòng 1 tháng. Liệu năm nay có lặp lại kịch bản “bão chồng bão” như năm trước hay không?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Kịch bản liên tiếp có 5 cơn bão xuất hiện trong vòng 1 tháng như mùa mưa bão năm 2020 thì khả năng không xảy ra, ít nhất là trong tháng Chín.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh là cao điểm mùa bão năm nay chưa tới. Như trong các bản tin dự báo mùa chúng tôi đã công bố, cao điểm của mùa mưa bão năm 2021 là tháng 10 và tháng 11, thậm chí có thể còn kéo dài sang đến tháng 12.

Do vậy, trong các tháng 10 và 11 vẫn có khả năng xuất hiện các cơn bão nhưng khả năng xuất hiện 5 cơn liên tiếp là thấp. Còn dự báo có 2-3 cơn liên tiếp xuất hiện trên Biển Đông thì hoàn toàn có thể xảy ra.

- Quay trở lại với cơn báo Côn Sơn (cơn bão số 5), theo ông, cơn bão này sẽ tác động đến đất liền vào thời điểm nào và hiện nay Trung tâm đã có dự báo gì?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Theo các dự báo mới nhất của chúng tôi sáng nay, bão Côn Sơn có khả năng sẽ tác động đến khu vực ven biển trước, đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Theo đó, từ đêm 10/9, ven biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ), gió mạnh dần lên cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh.

Ngoài ra, từ đêm nay đến ngày 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Đà Nẵng phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt. Riêng khu vực từ tỉnh Quảng Nam đến Quảng Ngãi, lượng mưa sẽ phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Ngược ra các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mưa sẽ xuất hiện muộn hơn. Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình ra đến Thanh Hóa, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt. Riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.

Tuy nhiên, do cơn bão Côn Sơn còn phức tạp về cường độ và quỹ đạo, nên chi tiết các dự báo sẽ được Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật trong các bản tin bão chính thức tiếp theo.

- Thưa ông, hiện nay các dự báo quốc tế về bão còn tương đối phân tán, vậy để đảm bảo tính chính xách nhất, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo chính thức này dựa vào những căn cứ nào?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sử dụng tất cả các sản phẩm, phương án dự báo của quốc tế cũng như các đơn vị dự báo khác trong và ngoài Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Hiện nay, chúng tôi cũng đang chạy 4 phiên dự báo mỗi ngày. Trong mỗi phiên dự báo, chúng tôi lại chạy 32 mô hình khác nhau, kết hợp với các dự báo quốc tế để ra được dự báo tổ hợp của trên một trăm phương án khác nhau.

Trong đó có kịch bản có khả năng xảy ra cao nhất, kịch bản có tính chất cực trị như: Kịch bão mạnh nhất, kịch bản bão yếu nhất; bão lên phía Bắc nhiều nhất; bão xuống phía Nam nhiều nhất… từ đó đưa ra các tư vấn khác nhau. Thông thường các kịch bản công bố sẽ là các bản tin dựa trên kịch bản có xác xuất xảy ra cao nhất./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục