Sau 3 tuần vận hành BRT ở Hà Nội: Mới đáp ứng được 10% nhu cầu

Với cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ như thành phố Hà Nội, khi áp dụng phương tiện xe buýt nhanh bước đầu đã mang lại hiệu quả nhưng cũng đồng thời nảy sinh nhiều bất cập.
Sau 3 tuần vận hành BRT ở Hà Nội: Mới đáp ứng được 10% nhu cầu ảnh 1Các phương tiện tham gia giao thông lấn sang làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT 01 đoạn Giảng Võ-Láng Hạ. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Xe buýt nhanh (BRT) được đưa vào vận hành thử nghiệm trên đường phố Hà Nội tròn 3 tuần.

Dù loại hình vận chuyển hành khách công cộng này được áp dụng rất thành công ở một số nước trên thế giới với nhiều mặt tích cực nhưng với cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ như Hà Nội, khi áp dụng bước đầu cũng có những bất cập.

Những hiệu quả ban đầu

Sau 3 tuần vận hành xe buýt nhanh cho thấy, đã có 6.519 lượt xe, đạt 99,99% kế hoạch, 1 lượt xe không thực hiện do va chạm với xe con lấn làn dẫn đến hư hỏng xe.

Có 258.733 lượt hành khách, bình quân 40 hành khách/lượt. Ngày cao nhất vận chuyển 16.644 hành khách. Hành khách bình quân tại các nhà chờ: 11.249 người/nhà chờ; trong đó điểm đầu Kim Mã thực hiện đón trên 42.000 hành khách; các nhà chờ bến xe Yên Nghĩa, Nguyễn Tuân, Hoàng Đạo Thúy, Vũ Ngọc Phan đều có lượng hành khách đi lớn với hơn 18.000 hành khách.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mặt tích cực là BRT đã vận hành đúng phương án, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn và thu hút được hành khách sử dụng.

Sản lượng hành khách trên tuyến tiếp tục tăng qua các ngày hoạt động, đến ngày thứ 18 sản lượng khách tăng 85% so với ngày đầu đưa vào hoạt động, hành khách bình quân/lượt xe tăng từ 34 lên gần 46 hành khách/lượt, tăng 35% và vẫn đang tiếp tục tăng trong thời gian hoạt động.

Với năng lực vận chuyển hiện tại của BRT đạt 80% so với thiết kế có thể đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại trên tuyến; khi phát huy tối đa dịch vụ với tần suất 3 phút/lượt tuyến BRT có thể đáp ứng từ 13-15% nhu cầu đi lại trên tuyến.

Thành phố cũng đã điều chỉnh 5 tuyến xe buýt thường để tăng cường kết nối với BRT, gồm các tuyến: 09,18,19, 22, 50; trong đó, tuyến buýt 22 được tổ chức lại thành tuyến buýt gom kết nối tăng sản lượng rõ rệt tại điểm đầu Kim Mã, khách tại đây tăng 20% so với trước khi điều chỉnh tuyến.

Tình hình trật tự giao thông trên tuyến được thay đổi cơ bản, hình ảnh giao thông mới với các thành phần tham gia đi lại trật tự, đi theo làn, tôn trọng làn xe dành riêng đã cơ bản hình thành. Từ khi BRT xuất hiện chưa có hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài xuất hiện. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải, các hãng taxi đề nghị chấn chỉnh lái xe thực hiện nghiêm về tổ chức phân làn.

Về giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi-Trần Phú (Hà Đông) là trục đường song song với trục đường hoạt động của BRT cho thấy tình hình giao thông vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Nhiều bất cập

Tuy nhiên, nhiều tồn tại phát sinh được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ ra, đó là lượng hành khách sử dụng BRT trên các nhà chờ từ ngoài vành đai 3 trở ra đến Ba La vẫn thấp, đây là các nhà chờ gần các khu đô thị mới mật độ dân số chưa cao và trước đây gần như chưa có xe buýt hoạt động.

Do vậy hành khách tại các khu vực này chưa có thói quen sử dụng phương tiện công cộng.

Ngoài ra, một số sự cố kỹ thuật xảy ra chủ yếu liên quan đến hệ thống mở cửa tự động tại các nhà chờ nhưng đã được khắc phục kịp thời đảm bảo phục vụ hành khách. Một số cây xanh trên đương Giảng Võ ngả ra đường BRT trời tối dễ xảy ra va chạm do tầm nhìn hạn chế.

Tình trạng các phương tiện vi phạm đi vào làn đường dành riêng, cản trở hoạt động của BRT vẫn còn, tại các nút giao các phương tiện rẽ trái lấn vào làn được BRT cản trở hoạt động của tuyến. Đến nay đã xảy ra 2 vụ va chạm.

Đặc biệt, trong những ngày mưa giao thông trên tuyến khá căng thẳng, nhiều phương tiện tràn vào làn dành cho xe BRT. Tuy nhiên, hoạt động của BRT tốt hơn rất nhiều so với xe buýt thường hoạt động trong làn hỗn hợp, số chuyến, lượt thực hiện vẫn đảm bảo 100%, thời gian vận hành vào giờ cao điểm mỗi lượt chậm hơn khoảng 10 phút so với kế hoạch.

Đối với đoạn tuyến từ vành đai 3 trở ra hiện đang có lưu lượng hành khách sử dụng thấp, mặc dù đã tăng cường kết nối xe buýt thông qua việc tổ chức lại tuyến. Việc tổ chức lại tuyến 22 như hiện nay có nhiều hành khách phản ánh đến đường dây nóng bày tỏ bức xúc do phải chuyển tuyến nhiều.

Giải pháp khắc phục

Hà Nội đang đưa ra nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của BRT như tăng cường lực lượng thanh tra, cảnh sát giao thông điều tiết hướng dẫn giao thông để BRT hoạt động thuận tiện, ổn định, an toàn; huy động lực lượng thanh niên tình nguyện để hướng dẫn khách tiếp cận các nhà chờ; hướng dẫn lái xe không đi vào làn cấm và sẽ tăng cường xử phạt nếu vi phạm.

Thành phố sẽ thí điểm triển khai hệ thống phát thanh không dây để thực hiện tuyên truyền đảm bảo điều kiện vận hành cho BRT tại các nút giao thông.

Thí điểm triển khai lắp đặt dải phân cách mũi tên phản quang giữa làn BRT với làn đường giao thông chung trên đường Lê Văn Lương từ nhà chờ kéo dài đến nút giao thông để hạn chế các phương tiện khác đi vào làn BRT.

Đóng dải phân cách nút giao Tố Hữu-Trung Văn, sơn kẻ tổ chức giao thông tại điểm mở mới, điều chỉnh cụm đèn tín hiệu tại nút giao trên thành đèn bấm cho người đi bộ qua đường.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu-Công an thành phố Hà Nội điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu theo hướng ưu tiên cho tuyến BRT vận hành trên trục Lê Văn Lương-Tố Hữu.

Hà Nội tiếp tục miễn phí cho người dân sử dụng tuyến BRT 01 (Yên Nghĩa-Kim Mã) trong dịp Tết Nguyên đán phục vụ nhu cầu đi lại rất lớn của nhân dân.

Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội kiến nghị với các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt; cơ quan báo chí truyền thông giúp đỡ tuyên truyền sâu rộng và đặc biệt người tham gia giao thông cần ý thức cao chấp hành luật lệ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục