Năm 2015 là năm đầu tiên các trường được chủ động chọn môn học tùy ý để xét tuyển thí sinh trúng tuyển vào trường mình sau 13 năm liên tục, từ khi thực hiện kỳ thi đại học theo hình thức ba chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định "cứng" các tổ hợp môn theo khối thi.
Ngay sau khi Bộ có chủ trương này, các trường đại học đã tích cực xây dựng các khối thi mới phù hợp với đặc thù đào tạo của trường. Các khối này đều gồm 3 môn.
Theo đó, bên cạnh 5 khối thi A, B, C, D và A1, mùa tuyển sinh năm 2015, các trường đại học sẽ dùng nhiều tổ hợp môn thi mới để xét tuyển như toán-hóa-tiếng Anh, toán-lý-tiếng Anh, văn-sử-tiếng Anh, toán-hóa-văn, toán-sinh-văn…
Trường có lượng khối thi phong phú nhất tính đến thời điểm này phải kể đến Đại học Cần Thơ với hàng chục cách thức tổ hợp môn để xét tuyển khác nhau. Các tổ hợp môn thi được trường quy định gồm một hoặc hai môn bắt buộc toán hoặc văn, kết hợp với một hoặc hai môn do thí sinh tự chọn trong nhóm từ hai đến bốn môn khác. Theo đó, mỗi ngành học sẽ có từ 3 đến 6 tổ hợp môn để xét tuyển thay vì chỉ từ một đến hai khối thi như các năm trước.
Cụ thể, năm 2014, ngành Giáo dục Tiểu học tuyển thí sinh các khối A, D1 nhưng năm 2015 ngành này có 6 nhóm môn học khác nhau gồm môn toán và hai trong số bốn môn lý, hóa, văn, ngoại ngữ. Ngành Sư phạm Ngữ văn năm 2014 chỉ tuyển khối C nhưng năm 2015 tuyển theo 3 nhóm môn học gồm môn văn và hai trong số các môn sử, địa, ngoại ngữ….
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến thêm các nhóm tổ hợp môn thi mới như nhóm các môn toán-hóa-tiếng Anh, văn-sử-tiếng Anh.
Đại học Công nghiệp Việt-Hung bổ sung khối thi gồm các môn toán-lý-văn, trường gọi là khối A2, và khối gồm các môn toán-hóa-ngoại ngữ, trường gọi là khối A3.
Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh cũng có thêm bốn khối thi mới gồm toán-hóa-văn và toán-hóa-văn cho các ngành học liên quan đến hóa học, toán-sinh-tiếng Anh và toán-sinh-văn cho các ngành học liên quan đến sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban đào tạo đại học và sau đại học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, việc bổ sung các tổ hợp môn mới vừa giúp trường có nguồn tuyển rộng hơn, tuyển được thí sinh phù hợp với đặc thù đào tạo của trường hơn đồng thời giúp thí sinh có nhiều cơ hội hơn.
Bên cạnh việc bổ sung các nhóm môn xét tuyển mới, lãnh đạo các trường đại học cho biết tất cả các khối thi cho các ngành như mọi năm vẫn được giữ nguyên để đảm bảo thí sinh không bị hoang mang, xáo trộn trong quá trình học tập. “Hầu hết các em đã xác định khối thi từ khi bắt đầu vào bậc trung học phổ thông và học lệch theo các môn trong khối này. Vì thế, nếu các trường đột ngột thay đổi thì học sinh không thể thích nghi kịp,” ông Chính nói.
Một số trường đại học vẫn giữ nguyên các khối thi như mọi năm, không bổ sung, như Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại thương…
Trước đó, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương bỏ tuyển sinh đại học theo khối, chuyển sang tuyển sinh đại học theo môn và cho phép các trường được tự chủ hoàn toàn việc tổ hợp các môn để phù hợp với đặc thù đào tạo của trường đã khiến học sinh khá... hoang mang.
Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị này đã nhận được hàng nghìn ý kiến phản hồi của học sinh bày tỏ lo lắng về vấn đề này. “Học sinh cho biết nếu các trường thay đổi môn thi khác so với các khối thi đã duy trì nhiều năm nay thì các em sẽ không thể thích ứng kịp vì đã trót học lệch,” ông Nghĩa nói.
Trước tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải có công văn gửi các trường đại học, cao đẳng, trong đó Bộ khuyến khích các trường giữ ổn định các khối thi để tránh thiệt thòi cho học sinh./.