Trong suốt 10 năm qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu cho người dân, doanh nghiệp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay, số lượng sổ đỏ được cấp lần đầu mới đạt 97,36%.
Số liệu thống kê qua từng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tỷ lệ cấp sổ đỏ lần đầu trên cả nước trong năm 2013 đạt 83,2% (tương đương 36 triệu sổ đỏ với tổng diện tích 20,2 triệu hécta), tăng 2,0% so với năm 2012 là 81,2%.
Đến năm 2017, tỷ lệ số đỏ được cấp lần đầu đạt đã trên 96,9% diện tích các loại đất cần cấp. Trong số đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt 92,9%; đất ở nông thôn 96,1%; đất ở đô thị đạt 98,3%; đất chuyên dùng đạt 86,9%; cơ sở tôn giáo đạt 83,6%.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỷ lệ sổ đổ được cấp lần đầu không có nhiều thay đổi. Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2018, tỷ lệ cấp sổ đỏ lần đầu cả nước đạt 97,2% (chỉ tăng thêm 0,3% so với cùng kỳ năm trước) tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Năm 2019, tỷ lệ cấp sổ đỏ lần đầu trên cả nước đạt 97,36% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Con số này cho thấy số lượng sổ đỏ được cấp trong năm 2019 có tăng nhưng không đáng kể (chỉ tăng 0,16% so với cùng kỳ năm 2018).
Đến nay, tỷ lệ cấp sổ đỏ lần đầu trên cả nước cũng mới đạt trên 97,36%. Theo số liệu Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp mới đây, thì số lượng sổ đỏ được cấp cũng chỉ tăng 0,16%, tương đương khoảng 20.900 giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm 2018).
[Công khai tổ chức vi phạm và khắc phục vi phạm pháp luật đất đai]
Theo Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc cấp sổ đỏ lần đầu nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai, bảo đảm điều kiện pháp lý cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ hợp pháp của mình theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn nhiều trường hợp do có vi phạm trong quản lý, sử dụng đất như: đất lấn chiếm, giao trái thẩm quyền, tự ý chuyển đất nông nghiệp sang làm nhà ở...
Tại các dự án phát triển nhà ở, còn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bằng giấy tờ viết tay từ ngày 1/1/2008 trở lại đây.
Đáng chú ý, ở đô thị tồn tại tình trạng cơ quan, tổ chức bán nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhưng đơn vị chủ quản đã giải thể mà chưa thực hiện bàn giao nhà ở về cơ quan Nhà nước để làm thủ tục bán nhà cho người sở hữu nhà gắn với quyền sử dụng đất, một số trường hợp tự ý xây dựng trái quy hoạch, một số trường hợp hồ sơ quản lý nằm ở các cơ quan khác nhau do phân cấp quản lý trước đây.
Ngoài ra, một số tổ chức đã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở, song chưa thực hiện rà soát, bàn giao về địa phương; đối với các dự án phát triển nhà ở còn tình trạng chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, xây dựng.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã tạm nộp tiền sử dụng đất, nhưng đến nay vẫn chưa được thông báo tiền sử dụng đất phải nộp; có chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc công trình dẫn tới phát sinh nghĩa vụ tài chính bổ sung…
Trước thực tế nêu trên, đại diện Tổng cục Quản lý Đất đai cho biết trong năm 2020, Tổng cục sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc cấp sổ đỏ đối với diện tích còn lại cần phải cấp giấy chứng nhận lần đầu theo tinh thần của Nghị quyết số 39/2012/QH13 của Quốc hội về việc cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, nắm tình hình về tình hình thành lập và hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai; hoàn thành dứt điểm việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại./.