Sau 1 năm vụ “bay lắc,” BV tâm thần Trung ương 1 hoạt động ra sao?

Hiện Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đang điều trị nội trú cho gần 600 bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần. Các y bác sỹ khi điều trị cho bệnh nhân tại đây khá vất vả và chịu nhiều áp lực.
Sau 1 năm vụ “bay lắc,” BV tâm thần Trung ương 1 hoạt động ra sao? ảnh 1Bác sỹ phát và theo dõi bệnh nhân uống thuốc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hơn một năm sau vụ việc một bệnh nhân mở phòng "bay lắc" trong bệnh viện Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, hiện nay các hoạt động chăm sóc bệnh nhân cũng như cuộc sống và công việc của nhân viên tại đây đã có nhiều sự thay đổi.

Phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), được giao phụ trách bệnh viện, hiện là Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết sau sự việc bệnh nhân tâm thần "bay lắc" trong bệnh viện, hơn 1 năm qua bệnh viện đã dần ổn định về mặt tổ chức và tinh thần đối với cán bộ công nhân viên bệnh viện. Đặc biệt, việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần đã được quan tâm, đầu tư hơn rất nhiều.

Khi được hỏi về phòng bệnh đã được Nguyễn Xuân Quý cải tạo là nơi "bay lắc," mua bán, sử dụng ma tuý, ông Nguyễn Tuấn Hưng cho biết do vụ án vẫn đang trong thời gian điều tra, xét xử nên ngoài việc dọn dẹp các tang vật của vụ án để có buồng bệnh cho các bệnh nhân tiếp tục điều trị, theo dõi cho bệnh nhân thì bệnh viện chưa cải tạo gì đối với phòng bệnh này.

[Truy tố 10 bị can vụ "bay lắc" trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1]

Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 là một bệnh viện đặc biệt, bởi luôn trong tình trạng không tấp nập người ra người vào, không chen chân đợi chờ khám bệnh, bệnh viện vắng vẻ, có phần đìu hiu. Hiện nay, tại bệnh viện đang điều trị nội trú cho gần 600 bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần.

Bác sỹ Lê Thị Thanh Thu - Trưởng Khoa Bán cấp tính nam (A4), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho hay việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần được ví như "con mọn." Hằng ngày, các nhân viên y tế đều phải chia thuốc cho từng bệnh nhân, bệnh nhân xếp hàng lấy thuốc và khi uống xong phải há miệng để y bác sỹ kiểm tra sau khi uống.

Sau 1 năm vụ “bay lắc,” BV tâm thần Trung ương 1 hoạt động ra sao? ảnh 2Bác sỹ Lê Thị Thanh Thu theo dõi sức khoẻ cho các bệnh nhân hàng ngày. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan, điều dưỡng Khoa A4 cho biết với các bệnh nhân mắc các bệnh về tâm thần, sức khỏe, thậm chí cả mạng sống của bệnh nhân đều gửi gắm hết cho các bác sỹ, y tá và điều dưỡng. Trong công tác chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần, tùy mỗi người bệnh, nhân viên y tế lại có cách chia sẻ khác nhau, lúc như người thân, lúc như bạn bè, thậm chí lúc như trong vai người yêu để họ thủ thỉ, trải lòng, trút hờn giận, xả strees...

Điều trị bệnh tâm thần đòi hỏi sự kiên nhẫn, có bệnh nhân mất hằng tháng, hằng năm, thậm chí nhiều bệnh nhân gắn với bệnh viện suốt đời. Với các y bác sỹ chuyên ngành tâm thần, bác sỹ điều trị cho các bệnh nhân tâm thần là công việc khá vất vả bởi thường xuyên phải tiếp xúc, điều trị cho các bệnh nhân không bình thường về tâm lý. Khi bệnh nhân hợp tác thì mọi việc dễ dàng nhưng nhiều lúc bệnh nhân phản ứng khiến các y bác sỹ khá mệt mỏi, áp lực.

Đặc biệt, công việc hàng ngày của nhân viên y tế ở đây ngoài điều trị, chăm sóc bệnh nhân thì mọi người phải chuẩn bị "đồ nghề" để cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, móng chân cho các bệnh nhân hằng tuần... Thế nhưng, thu nhập của họ lại khá khiêm tốn.

Sau 1 năm vụ “bay lắc,” BV tâm thần Trung ương 1 hoạt động ra sao? ảnh 3Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan cắt móng tay cho các bệnh nhân. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Điều dưỡng Trần Thị Thu Lan cho biết chị đã gắn bó với công việc này gần 4 năm, mức lương, phụ cấp mà chị nhận được hàng tháng là 5,7 triệu đồng. Với khoản thu nhập này, chị không thể đủ trang trải cuộc sống nhưng vì đã lựa chọn công việc và muốn gắn bó với nghề nên chị và nhiều đồng nghiệp luôn cố gắng.

Nhiều bác sỹ, nhân viên y tế chuyên ngành về tâm thần cho hay nếu như các đồng nghiệp có thể mở thêm phòng khám tại gia đình như nhi khoa, răng-hàm-mặt, tai mũi họng, đa khoa… để tăng thêm thu nhập thì họ hầu như không có cơ hội, bởi không ai mở phòng khám… tâm thần tư nhân. Vì vậy, hầu hết thu nhập của cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên bệnh viện đều chỉ trông chờ vào lương chính.

Vì vậy, các y bác sỹ chuyên ngành tâm thần mong mỏi được áp dụng chế độ ưu tiên cho nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân tâm thần được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề mức 100% (hiện nay chỉ được 70%) và chế độ phụ cấp thâm niên người thầy thuốc tâm thần.

Trước đó, Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đã có kiến nghị gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng thu nhập y bác sỹ, công đoàn cũng kiến nghị áp dụng thêm chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù như hồi sức cấp cứu, tâm thần chữa bệnh phong, lao, HIV/AIDS... Đây là những khó tuyển dụng, thiếu hụt bác sỹ, giám định viên... Các công việc này có yếu tố nguy hiểm, cần tập trung cao độ tâm sức, trí tuệ nhưng chưa có cơ chế thu hút lao động, nguy cơ không thiếu nhân lực chất lượng cao.

Do đó, ngành y tế đề nghị Đảng, Nhà nước có chính sách đặc biệt hấp dẫn để thu hút nhân lực trong các lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục