Sau 1 năm, Nghị quyết 128 đã đem lại điều gì cho du lịch Việt Nam

Nghị quyết 128/NQ-CP là “chìa khóa vàng” để ngành du lịch tái khởi động, phục hồi trước mắt là du lịch nội địa và tiếp đến là du lịch quốc tế.
Chào đón 29 du khách quốc tế đầu tiên đến sân bay quốc tế Đà Nẵng sau đại dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Chào đón du khách đến sân bay quốc tế Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

Đây là “chìa khóa vàng” để ngành du lịch tái khởi động, phục hồi trước mắt là du lịch nội địa và tiếp đến là du lịch quốc tế. Một năm thực hiện nghị quyết đã đưa đến nhiều thành công cho du lịch nước nhà.

Những bước đi vững chãi

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã tác động nghiêm trọng, nếu không muốn nói là làm “đóng băng” ngành du lịch. Ở Việt Nam, việc đón khách quốc tế buộc phải dừng từ cuối tháng 3/2020.

Du lịch nội địa bị đình trệ, gián đoạn bởi các đợt dịch bùng phát trong nước. Phải đến cuối năm 2021, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời đã tạo động lực cho du lịch từng bước phục hồi, thích ứng với bối cảnh mới.

[Hàng nghìn du khách tham dự Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc năm 2022]

Chính phủ đã phê duyệt cho ngành du lịch được thí điểm đón khách quốc tế bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Ban đầu thí điểm tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), sau đó là Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tối 17/11/2021, chuyến bay số hiệu VN417 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ Incheon-Hàn Quốc đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng mang theo 29 du khách quốc tế đầu tiên đến Quảng Nam trong sự chào đón của toàn ngành du lịch nước ta. Đây cũng là đoàn khách đầu tiên đến Việt Nam sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngay sau đó, thị trường du lịch inbound (đón khách quốc tế) đã dần khởi sắc, chỉ trong nửa cuối tháng 11/2021, Việt Nam đã đón gần 1.000 khách quốc tế đến một số vùng thí điểm. Trong tháng 12/2021, khách quốc tế đến Việt Nam khá đông, gồm khách Nga, Uzbekistan, Thụy Điển, Mỹ, Hà Lan...

Tổng cục Du lịch cũng chủ động hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho khách du lịch, cộng đồng, người lao động; đề xuất ban hành các gói chính sách về tài chính, tài khóa, an sinh xã hội nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Tổng cục Du lịch vẫn thường xuyên thực hiện quảng bá, xúc tiến trực tuyến dành cho cả khách nội địa và quốc tế.

Trong đó, phải kể đến việc ra mắt chuyên trang “Live fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam), giới thiệu video chủ đề nhằm triển khai mạnh mẽ chiến dịch xúc tiến, quảng bá chủ đề “Live fully in Vietnam” gắn với bộ nhận diện thương hiệu du lịch quốc gia “Vietnam - Timeless Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định phục hồi và phát triển du lịch bền vững sau COVID-19 không thể thành công trong “một sớm, một chiều”; phải “tư duy mới, hành động mới,” cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, ngành, địa phương và thậm chí cả các quốc gia thống nhất hành động.

Do đó, Tổng cục Du lịch đã chủ động nghiên cứu từ sớm, từ xa các phương án mở cửa hoàn toàn du lịch, đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép.

Đến ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại. Đây thực sự là quyết sách quan trọng, tạo động lực cho ngành du lịch phục hồi với tốc độ nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Du lịch khởi sắc

Ngay khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn du lịch trở lại vào ngày 15/3, toàn ngành du lịch, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều hoạt động kết nối, phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, đón khách du lịch nội địa và quốc tế. Hoạt động du lịch cả nước đã dần có bước khởi sắc tích cực.

Khách du lịch đến Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Toàn ngành xác định, du lịch phải đứng trên hai chân “nội địa” và “quốc tế.” Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, du lịch nội địa luôn là chìa khóa giúp du lịch Việt Nam tạo đà và phát triển (ngay trước khi có COVID-19, du lịch nội địa đã đóng góp tới 5,5% tổng GDP cho toàn bộ nền kinh tế). 

Thực tế cho thấy, lượng khách nội địa trong năm nay đã “về đích” rất sớm, vượt mục tiêu đề ra, đạt 60,8 triệu lượt ngay trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu thống kê, sau 9 tháng của năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đã đạt khoảng 87 triệu lượt, vượt xa so với kế hoạch cả năm là 60 triệu lượt.

Khách du lịch quốc tế đạt gần 1,8 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 400.000 tỷ đồng, tức là khoảng 78% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Thủ đô Hà Nội, một trong những địa bàn trọng điểm của du lịch nước ta, trong 9 tháng qua đã đón trên 13,8 triệu lượt khách, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 39,69 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Còn tại Lào Cai, hoạt động du lịch đã phục hồi nhanh chóng, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan nghỉ dưỡng.

Trong đó, các địa phương có lượng du khách tham quan, nghỉ dưỡng cao gồm thị xã Sa Pa đạt khoảng 2 triệu lượt; thành phố Lào Cai đón khoảng 1,5 triệu lượt; các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên… cũng đón rất nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.

Tuy chưa thể bằng trước khi có đại dịch nhưng đây là kết quả “vượt trên sự mong đợi” của Lào Cai. Tỉnh này đã “bắt” đúng nhu cầu của du khách và không ngừng sáng tạo, cho ra đời nhiều sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn từ những tiềm năng, thế mạnh nổi trội như chợ tình Sa Pa, Festival “Cao nguyên trắng” Bắc Hà, Lễ hội hoa hồng-rượu vang, Lễ hội tuyết, Festival tinh hoa Tây Bắc, sản phẩm du lịch tâm linh Bảo Hà - đền Thượng - Lũng Pô - Fansipan…

Theo Sở Du lịch Kiên Giang, 9 tháng năm 2022, tổng lượt khách đến Kiên Giang đạt trên 6,1 triệu lượt, tăng 163% so cùng kỳ, vượt 9,2% kế hoạch năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 99,9% kế hoạch năm. Trong đó, Phú Quốc đón trên 4 triệu lượt.

Có được kết quả trên, ngành du lịch Kiên Giang đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kích cầu du lịch gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động du lịch, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm.

Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 9 đã đón được 21,6 triệu lượt khách nội địa và hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế. Đặc biệt, Hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thành công gần đây đã tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của du lịch ở Thành phố này…

Đặc biệt, ngày 7/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 29 (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022. Du lịch Việt Nam đã vinh dự dành được 48 giải thưởng.

Ở cấp độ quốc gia gồm các giải thưởng “Việt Nam - Điểm đến hàng đầu châu Á 2022”; “Việt Nam - Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2022” và “Tổng cục Du lịch Việt Nam - Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á 2022.”

Các tỉnh, thành phố của Việt Nam được vinh danh gồm Thành phố Hồ Chí Minh - Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á 2022 và Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á 2022; Hội An - Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2022; Hà Nội - Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á 2022; Đà Nẵng - Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á 2022 và Mộc Châu - Điểm đến thiên nhiên cấp địa phương hàng đầu châu Á 2022.

Cùng với đó là nhiều giải thưởng danh giá dành cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, điểm đến, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam.

Điều này không chỉ cho thấy sự tôn vinh của quốc tế mà còn khẳng định sức hấp dẫn của du lịch nước ta. Những giải thưởng này góp phần quan trọng quảng bá, khẳng định thương hiệu và thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới.

Khai thác các thị trường tiềm năng, chú trọng chất lượng

Theo Hàn thử biểu du lịch thế giới mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách quốc tế toàn cầu tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng rất khác nhau giữa các khu vực.

Du khách quốc tế dạo chơi trên phố Tây Bùi Viện, quận 1. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Châu Âu và Trung Đông có mức hồi phục tốt nhất trong 7 tháng của năm 2022, đạt lần lượt 74% và 76% so với cùng kỳ năm 2019. Châu Mỹ đạt 65%, châu Phi đạt 60%.

Trong khi đó, châu Á-Thái Bình Dương là nơi phục hồi chậm nhất, chỉ đạt 14% so với mức năm 2019 do hầu hết các thị trường chính trong khu vực chưa mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế.

Về du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch chia sẻ, dù có khởi sắc nhưng thực tế cho thấy lượng khách quốc tế đến nước ta trong 9 tháng của năm 2022 mới chỉ đạt khoảng 30% so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 (5 triệu lượt); đồng thời vẫn thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể thấy, kết quả này cho thấy vẫn còn những khó khăn trong thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh sau đại dịch.

Theo thống kê, các thị trường khách quốc tế đến nước ta đang dần phục hồi nhưng không đồng đều. Hàn Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất, chiếm 26% tổng số khách.

Mỹ xếp thứ 2, chiếm gần 9%. Đáng nói là thị trường Ấn Độ tăng vượt mức trước đại dịch. Khách từ Singapore và Lào trong tháng 9/2022 chỉ còn giảm lần lượt 20% và 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc và Nga gần như đóng băng, giảm 98% và 92%; Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Khu vực Đông Bắc Á phục hồi chậm nhất do họ vẫn áp dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) thông tin về một số nguyên nhân khách quan và chủ quan ảnh hưởng đến các dòng khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong đó, khoảng 60-70% khách quốc tế đến từ các thị trường khu vực Đông Bắc Á chưa mở cửa hoàn toàn du lịch. Việc kết nối thị trường của các doanh nghiệp sau dịch COVID-19 gặp nhiều khó khăn; thời gian cao điểm đón khách du lịch quốc tế mới bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.

Việc thiếu vắng văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài hiện là hạn chế rất lớn của Việt Nam so với Thái Lan, Singapore, Indonesia…, cũng là một nguyên nhân khiến lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng.

Tổng cục Du lịch cho rằng thời gian tới cần tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch như Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Bắc Mỹ, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, đặc biệt chú trọng yếu tố chất lượng khách.

Toàn ngành tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch tự nhiên, sinh thái và du lịch thành phố.

Bên cạnh đó là phát huy các sản phẩm du lịch mới theo xu hướng thị trường như du lịch nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao, du lịch golf… cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế theo thông điệp “Live fully in Vietnam.”

Đồng thời, ngành huy động sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại tại nước ngoài trong những tháng cuối năm 2022 như tuần Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ; thúc đẩy hợp tác về phát triển công nghiệp văn hóa và xúc tiến du lịch tại Hoa Kỳ...

Ngành du lịch sẽ cùng với các địa phương xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng “Mỗi địa phương - Một sản phẩm du lịch đặc sắc”; tập trung xây dựng, hoàn thành trung tâm điều hành về du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyển đổi số và phát huy hiệu quả ứng dụng “Bản đồ số du lịch.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục