Trước tình hình sạt lở trên tuyến sông Ô Môn thuộc quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi chờ đợi ngành chức năng có phương án khắc phục, người dân ở các điểm sạt lở đã cùng nhau góp kinh phí để đóng cừ gia cố tạm thời, không để sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền.
Vụ sạt lở mới nhất trên tuyến sông này xảy ra vào ngày 10/5 tại bến đò Rạch Vàm, khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn (cách sông Hậu khoảng 100 m) đã "cắt đứt" 15m đường giao thông và địa phương phải huy động lực lượng hỗ trợ người dân tháo dỡ một căn nhà cấp 4 để di dời đến nơi an toàn.
Trước đó, vào ngày 7/5, vị trí này đã bị sạt lở một lần. Khu vực sạt lở có tổng chiều dài 75m, sâu 9m, ăn sâu vào đất liền 12m, trong đó vị trí đã bị sạt lở dài 15m. Vụ sạt lở khiến căn nhà của bà Trần Thị Thu Trang bị nhấn chìm hoàn toàn xuống sông, ước tính thiệt hại khoảng 60 triệu đồng.
Ngoài căn nhà của bà Trang, điểm sạt lở tại bến đò Rạch Vàm còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến 16 căn khác với 2 nhà phải di dời tài sản, 14 nhà còn lại có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn đã hỗ trợ hộ bà Trang 5 triệu đồng để tạm thời ổn định cuộc sống.
Trong khi chờ ngành chức năng thành phố Cần Thơ có phương án khắc phục, người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở đã cùng nhau đóng góp tiền để đóng cừ dừa ngay tại vị trí sạt lở nhằm gia cố tạm thời, không để sạt lở tiếp tục lấn sâu vào trong vì đây là khu vực dân cư đông đúc.
Ông Trần Thanh Việt ở khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn cho biết cùng với sự hỗ trợ của địa phương, các hộ dân ở đây đã góp tiền mua cừ dừa về làm kè tạm. Mặc dù chỉ là phương án “chữa cháy” nhưng theo ông, nếu không kịp thời gia cố thì sạt lở có thể tiếp tục xảy ra và khi đó không biết hậu quả sẽ thế nào.
Sau 3 ngày thi công, hiện vị trí sạt lở nói trên đã được khắc phục bằng cách đóng hàng chục cây cừ dừa xuống sông. Ông Việt cho biết số dừa này được mua với kinh phí khoảng 20 triệu đồng.
Cũng theo ông Trần Thanh Việt, người dân phát hiện vết nứt kéo dài trên đường chưa được bao lâu thì sạt lở xảy ra. Hiện nay, xe cộ không còn lưu thông được qua khu vực này mà phải đi vòng sang đường khác do toàn bộ khu vực đã được rào chắn, treo biển cảnh báo nguy hiểm.
[Thủ tướng: Không để sạt lở gần hết mới chạy đi tìm nguồn lực]
Ông Nguyễn Văn Hai, hội viên Hội người cao tuổi phường Thới An cho hay người dân ở khu vực này đa phần có đời sống khó khăn, chỉ có thể góp kinh phí khắc phục tạm thời. Còn việc xây dựng bờ kè kiên cố thì người dân không có khả năng. Ông mong muốn chính quyền địa phương sớm có giải pháp xây dựng bờ kè để người dân có thể yên tâm sinh sống.
Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn quận có 7 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2,3 km. Riêng sông Ô Môn - con sông lớn với nhiều tàu thuyền có trọng tải lớn đi qua, tình hình sạt lở thời gian qua trên tuyến sông này diễn biến hết sức phức tạp.
Từ đầu năm 2018 đến nay, sông Ô Môn đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng với 4 lần sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường giao thông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Theo ông Lê Việt Sĩ, xác định tình hình sạt lở tại khu vực trên còn diễn biến phúc tạp nên Ủy ban Nhân dân quận Ô Môn đã đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ khẩn cấp chỉ đạo đơn vị chuyên môn khảo sát và có kế hoạch khắc phục để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Mặc dù sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhưng do nguồn lực có hạn nên việc phòng, chống sạt lở trên tuyến sông Ô Môn cũng như các tuyến khác của thành phố Cần Thơ phần lớn chỉ là các giải pháp tạm thời.
Tại quận Ô Môn cũng mới chỉ có Dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn đang thi công giai đoạn 3 với tiến độ hoàn thành khoảng 50% khối lượng công trình. Công trình này có tổng vốn đầu tư 416 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 3 của dự án này có chiều dài 1.767m, dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2019.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão thành phố Cần Thơ Nguyễn Quý Ninh, vào giai đoạn chuyển mùa thì tình hình sạt lở trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến trên diện rộng. Trước mắt, đơn vị đã yêu cầu Ban chỉ huy các quận, huyện thành lập các đoàn khảo sát, đánh giá hiện trạng sạt lở để có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Về phương án phòng chống sạt lở, ngành chức năng thành phố Cần Thơ vận dụng nhiều giải pháp, trong đó thiên về giải pháp phi công trình. Đây là giải pháp không tốn kém nhiều kinh phí, nhưng hiệu quả mang lại rất lớn./.