Kênh Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) đang bị sạt lở nghiêm trọng, hàng trăm hộ dân “nơm nớp” lo lắng những ngôi nhà, mảnh vườn và tuyến đường ven kênh có thể bị “nuốt trôi” theo dòng nước bất cứ lúc nào nếu như giai đoạn 2 của dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kênh vẫn chậm triển khai.
Đi không được, ở không xong!
Trong hai năm 2013-2014, kênh Chợ Gạo nối sông Tiền giúp lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đi Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư nạo vét, nâng cấp giai đoạn 1 có chiều rộng luồng 26m.
[Tám nhiệm vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long]
Từ tháng 6/2013, Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (2016-2017) bằng hình thức BOT. Tổng chiều dài dự án là 9,85km, mở rộng đáy luồng chạy tàu ra 55m và nâng tĩnh không cầu vượt sông lên mức 9m với tổng mức đầu tư lên tới 1.337 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mới đây Bộ này đã có văn bản chính thức gửi Chính phủ chuyển đổi từ hình thức BOT vì không khả thi sang sử dụng nguồn vốn vay ODA để thực hiện dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam nhằm nâng cấp, cải tạo tuyến kênh này.
Chính việc chậm triển khai giai đoạn 2 của dự án dẫn đến đời sống của các hộ dân dọc theo bờ Nam kênh Chợ Gạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi toàn bộ hệ thống đường giao thông đã bị sạt lở hoàn toàn; công việc làm ăn, sản xuất bị đình trệ.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực sạt lở nhiều nhất thuộc xã Bình Phục Nhứt, xã Bình Phan, Xuân Đông... của huyện Chợ Gạo với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Hơn 10km dọc tuyến kênh, nhiều đoạn đê chưa được kè đã bị “ngoạm” sâu tạo thành những hốc đất chông chênh, thậm chí, nơi trước kia là đường đi lại trong ấp, xã giờ chỉ còn vỏn vẹn một mét đường mòn hoặc không còn lối đi.
Lý giải về nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng, các hộ dân sinh sống dọc tuyến kênh cho rằng, lượng tàu thuyền qua lại kênh Chợ Gạo với lưu lượng lớn, những vệt sóng nước đập mạnh vào bờ khiến từng mảng đất bị cuốn xuống lòng kênh. Mỗi ngày, đoạn đường chạy song song kênh lại “biến thành hình dạng khác”.
Là người gắn bỏ cả đời bên dòng kênh này, bà Trần Thị Thanh Hiền, ở ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) cũng như hàng chục hộ dân khác sống dọc bờ kênh lo lắng: “Người dân ở đây sống trong bất an, lo nhất là các em học sinh đi học hàng ngày. Tuyến đường liên xã bị sạt lở liên tục, nếu đi xe đạp hay xe máy dù có quen đường cũng phải dán mắt vào để tránh những đoạn bong lở.”
Theo bà Hiền, căn nhà nhỏ của gia đình ngày trước còn ở cách mép kênh Chợ Gạo cả chục mét. Thế nhưng đến giờ, ngôi nhà đã nằm sát mép kênh và có thể bị cuốn xuống dòng nước bất cứ lúc nào do tốc độ xâm thực quá nhanh.
Dù nhiều lần tự gia cố bằng các cọc tre hay cây thân gỗ đóng kè sát bờ đê, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, từng đợt sóng dễ dàng “nuốt trọn” và ăn sâu vào đất các hộ dân.
Các hộ dân này chưa thể di dời nhà đến nơi ở khác do đợi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo giai đoạn 2. Một số hộ khác không còn đất để di dời nhà đến nơi an toàn. Trong khi đó, dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo hiện nay vẫn đang “án binh bất động”.
[Thủ tướng thị sát khu vực bị ảnh hưởng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL]
Thậm chí, lo ngại đến tính mạng, có hộ dân đã vay tiền ngân hàng để mua đất và dựng nhà ở khu vực khác và mỗi tháng vẫn phải “còng lưng” trả lãi ngân hàng khi mà tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn đang nằm… “trên giấy”. Vì thế, người dân nơi đây đang “sống mòn” bên sông và rơi vào hoàn cảnh “đi không được, ở không xong”.
Chờ “giải cứu” người dân ven kênh?
Hiện, chính quyền và người dân địa phương mong muốn Bộ Giao thông Vận tải-đơn vị chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền cấp vốn cho địa phương làm công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội vì thời gian triển khai dự án chưa xác định cụ thể mà tình trạng sạt lở bờ kênh ngày càng trầm trọng.
Ông Lê Văn Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo, Tỉnh Giang cho biết, riêng khu vực phía Bắc kênh đã được kè đá giai đoạn 1 của dự án nâng cấp mở rộng kênh Chợ Gạo không xảy ra sạt lở do những rọ đá phủ kín mặt đê, nước không thể xói vào bên trong.
“Sau khi công bố giai đoạn 2 được dự tính triển khai từ năm 2012, thế nhưng qua vài năm, nhiều cuộc họp diễn ra, chính quyền địa phương đã thực hiện kiểm kê đất, nhà ở 2-3 lần nhưng dự án vẫn chưa biết lúc nào triển khai trong khi người dân hiện nay rất bức xúc vì ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế, an sinh xã hội,” ông Mỹ nhấn mạnh.
Theo ông Mỹ, huyện Chợ Gạo có hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng bởi giai đoạn 2 của dự án chưa triển khai. Nhiều ngôi nhà hư hỏng không được sửa chữa, nhà sạt lở ven kênh không di dời được vì chính quyền địa phương đã thực hiện kiểm kê chờ tiền đền bù.
[Đã xác định được nguyên nhân chính gây sạt lở sông Đồng Nai]
Đơn cử, tuyến đường liên huyện 25B trước kia xe tải vận chuyển hàng hóa thuận lợi cho người dân dọc kênh. Hiện nay, sau khi công bố dự án và chờ triển khai, bờ sông sạt lở có chỗ “ngoạm” sâu 25m làm mất luôn đường và không có lối đi cho dân. Đặc biệt, có 3 người bị tử vong ở các đoạn sạt lở chính vì địa hình đường biến dạng.
“Thực tế, 3 cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất huyện không dám nhập cá sản xuất, đình trệ trong kinh doanh. Vào mùa mưa tới, các em học sinh không có lối đi đến trường. Huyện Chợ Gạo đã đề nghị tỉnh Tiền Giang cấp kinh phí mở 1 số đường ‘xương cá’ nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời,” ông Mỹ thở dài lo lắng.
Vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Gạo kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải sớm cho đầu tư thực hiện giai đoạn 2 kênh này nhằm giải quyết những bức xúc, khó khăn của người dân nơi dự án đi qua.
“Tuyến kênh này được đầu tư sẽ thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đường thủy vận chuyển hàng gấp 20-30 lần so với đường bộ, chi phí cước rẻ, giảm tải cho đường bộ… Hơn nữa, kênh Chợ Gạo mở rộng là cần thiết để phục vụ cả vùng, miền khi sau này lưu lượng phương tiện thủy tăng trưởng nhanh nên sớm phải đầu tư,” ông Mỹ khẳng định./.