Sắp nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran

Các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại tại Vienna, Áo vào ngày 17/6 tới, hai tuần trước thời hạn chót ngày 30/6.
Đàm phán hạt nhân Iran sẽ tiếp diễn vào ngày 17/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran sẽ được nối lại tại Vienna, Áo vào ngày 17/6 tới, hai tuần trước thời hạn chót ngày 30/6 để đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Truyền thông Iran ngày 15/6 đưa tin hai nhà đàm phán cấp cao của nước này là Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi và Majid Takht Ravanchi sẽ trở lại Vienna vào ngày 17/6 tham gia một vòng thương thảo mới với các cường quốc thế giới nhằm soạn thảo văn kiện thỏa thuận hạt nhân toàn diện.

Trong những tuần gần đây, hai nhà ngoại giao cấp cao của Iran đã tiến hành nhiều vòng đàm phán với Giám đốc Phụ trách Chính trị của Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid. Trong khi đó, các chuyên gia Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) cũng đang túc trực tại Vienna nhằm thúc đẩy việc soạn thảo thỏa thuận.

Tháng 11/2013, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran đình chỉ một số hoạt động hạt nhân nhạy cảm để đổi lấy việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của phương Tây, tạo thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao thúc đẩy giải quyết tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran. Đầu tháng Tư vừa qua, hai bên đã đạt một thỏa thuận khung và ấn định ngày 30/6 này là thời hạn chót để đạt thỏa thuận cuối cùng.

Trong một động thái cho thấy khó khăn trong việc đi đến thỏa thuận cuối cùng, ngày 15/6, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker đã bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng các nhà đàm phán có thể đã nhượng bộ quá nhiều trong cuộc thương lượng với Iran.

Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn nguồn tin từ Thượng viện Mỹ cho biết Thượng nghị sỹ Cộng hòa Corker đã gửi thư ngỏ tới Tổng thống Barack Obama, cho rằng mục đích ban đầu và các tuyên bố gần đây của Nhóm P5+1 là khác xa nhau.

Ông Corker nêu rõ các nhà đàm phán Nhóm P5+1 đã nhượng bộ từ việc theo đuổi một thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực trong 20 năm xuống chỉ còn 10 năm. Theo ông, điều này sẽ cho phép Iran tiếp tục phát triển chương trình tên lửa đạn đạo hiện đại, cũng như nghiên cứu phát triển các máy ly tâm tối tân phục vụ hoạt động làm giàu urani.

Theo các nhà phân tích, tuyên bố của Thượng nghị sỹ Corker dường như báo hiệu Tổng thống Obama sẽ phải đối diện với một thách thức khó khăn nữa để thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa nắm trọn quyền chi phối.

Ông Corker chính là tác giả của dự luật mà Tổng thống Obama ký ban hành hồi tháng trước, theo đó cho phép Quốc hội Mỹ rà soát thỏa thuận hạt nhân cuối cùng đạt được với Iran trong vòng 30 ngày. Nếu các nhà lập pháp Mỹ không phê chuẩn thỏa thuận đó và hội đủ số phiếu ủng hộ để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của tổng thống, chính quyền Obama sẽ không thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Xóa bỏ lệnh trừng phạt là một trong những yêu sách hàng đầu của Tehran xuyên suốt tiến trình đàm phán.

Giới chức phương Tây cho rằng nếu Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận hạt nhân kịp thời hạn chót ngày 30/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể sẽ trì hoãn ít nhất một tháng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt với Tehran để chờ Quốc hội Mỹ xem xét thỏa thuận. Nguồn tin trên cho rằng đây là một động thái "không mong muốn song cần thiết về phương diện chính trị" do Quốc hội Mỹ không muốn Hội đồng Bảo an lên tiếng trước.

Tuy nhiên, Iran có lẽ không muốn chấp nhận sự trì hoãn này. Trong quá trình đàm phán, Tehran yêu cầu dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt với Iran ngay khi thỏa thuận hạt nhân được ký./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục