Sắp khởi công dự án đường sắt Trung tâm Logistics-ga Yên Viên

Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại ga từ 3-5 lần, tăng sản lượng hóa thông qua ga gấp 2-3 lần.

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trans (ITL) đã ký kết thực hiện dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm Logistics-ga Yên Viên.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, cho biết Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại ga từ 3-5 lần, tăng sản lượng hóa thông qua ga gấp 2-3 lần; giảm thời gian tác nghiệp tại ga. Từ đó, nâng cao hệ số quay vòng các đoàn tàu, giảm chi phí vận chuyển, tăng sản lượng và thu hút khách hàng mới.

Theo ông Trần Ngọc Thành, giai đoạn 1 dự kiến sẽ khởi công vào ngày 10/10 tới, với vốn đầu tư 90 tỷ đồng; trong đó, vốn góp 51 tỷ đồng, còn lại đi vay.

Khi đi vào khai thác, sẽ tăng năng lực thêm năm đến sáu đôi tàu mới; trong đó, tuyến Yên Viên-Hải Phòng chạy thêm hai đến ba đôi tàu/ngày, tổng số lượng 264 TEUs; tuyến Yên Viên-Cái Lân chạy thêm một đôi/ngày, số lượng 88 TEUs; tuyến Yên Viên - Sóng Thần ba đôi, số lượng 264 TEUs.

Trên cơ sở hiện trạng của ga Yên Viên và nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt, công trình bãi hàng ga Yên Viên được thiết kế, đầu tư với quy mô diện tích gần 19.000 m2, mặt bãi bằng bêtông cốt thép dày 25 cm hoặc bêtông nhựa trên hai lớp cấp phối đá dăm; xây dựng thêm đường sắt H3 song song đường H1, chiều dài 345 m, đường lồng khổ 1.435 mm với 1.000 mm (lồng trái chung phải hướng Hà Nội-Đồng Đăng).

Ngoài ra, dự án sẽ cải tạo lại cụm yết hầu giữa đường 16 và đường H1; làm đường ray P43 dài 12,5 m, tà vẹt bêtông dự ứng lực S2, tà vẹt bê-tông K3A liền khối… khai thác tối đa công suất bãi khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa.

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm Logistics-ga Yên Viên sẽ là khởi đầu để hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa lĩnh vực đường sắt. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng của việc đổi mới toàn diện và thực hiện tái cơ cấu ngành đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt. Thứ trưởng hy vọng dự án này cũng là bàn đạp để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa vào phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trung tâm Logistics ga Yên Viên sau khi hoàn thành sẽ trở thành cánh tay nối dài của cảng Hải Phòng và Cảng container Quốc Tế Cái Lân (CICT), cảng Cái Lân, khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, khai báo hải quan tại đây thay vì làm thủ tục tại cảng biển hay ga liên vận quốc tế đường sắt khác.

Theo thỏa thuận, Công ty ITL được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistics ga Yên Viên trong thời hạn 23 năm, sau đó, chuyển giao lại toàn bộ cho ngành đường sắt.

Ngoài ra, ITL cũng cam kết không yêu cầu bồi hoàn khi Nhà nước thu hồi bãi hàng để thực hiện dự án đường sắt trên cao (đoạn Ngọc Hồi-ga Yên Viên) trong thời hạn cho thuê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục