Sắp diễn ra triển lãm trực tuyến về năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam

Triển lãm sẽ kết nối và cung ứng trực tuyến nhằm giúp đỡ tất cả các doanh nghiệp trong ngành vượt qua những trở ngại do COVID-19 mang lại, phá vỡ rào cản giữa trí tưởng tượng và thực tế.
Công nhân Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh lắp đặt điện năng lượng mặt trời tại công trình Nhà thiếu nhi Quận 4. 9Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ triển lãm (Vinexad) cho biết Triển lãm trực tuyến về Năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam 2020 sẽ được tổ chức đồng thời với sự kiện Kỹ thuật số về Năng lượng Mặt Trời tại châu Á-Thái Bình Dương (APAC) - Chương về Việt Nam từ 12/10-10/11 trên nền tảng trực tuyến.

Triển lãm nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung cấp công nghệ, nhà sản xuất và người mua trong ngành năng lượng Mặt Trời Việt Nam có thể giao tiếp với nhau.

Theo đại diện Công ty Vinexad, sự kiện này sẽ kết nối và cung ứng trực tuyến nhằm giúp đỡ tất cả các doanh nghiệp trong ngành vượt qua những trở ngại do COVID-19 mang lại.

Ngoài ra, triển lãm lần này còn nhàm phá vỡ rào cản giữa trí tưởng tượng và thực tế, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp và có thể tham khảo tại link https://www.neoventurecorp.com/vietnam-solar-expo-2020.

Đại diện Công ty Vinexad cũng lưu ý, Triển lãm trực tuyến về Năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam sẽ có “Live Day” từ ngày 27-28/10 cho phép tất cả người tham dự có thể kết nối và giao tiếp 1-1 với các nhà triển lãm để nhận được phản hồi tức thì và chuyên nghiệp thông qua hộp thư trò chuyện, cuộc gọi âm thanh hoặc cuộc gọi video.

Ngoài ra, sự kiện Kỹ thuật số về Năng lượng Mặt Trời tại châu Á-Thái Bình Dương 2020 - Chương về ASEAN với chủ đề đầu tiên tập trung vào khu vực ASEAN (chủ yếu là thị trường Việt Nam, Myanmar và Malaysia) được tổ chức trực tuyến vào ngày 17-18/9 sẽ mang đến cho khách tham quan nền tảng kết nối B2B hiệu quả và một loạt các cơ hội hiểu biết mới.

Sự kiện Kỹ thuật số về Năng lượng Mặt Trời tại châu Á-Thái Bình Dương 2020 - Chương về Việt Nam sẽ được bắt đầu từ 20-22/10.

Các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp lớn của thị trường năng lượng Mặt Trời Việt Nam sẽ được mời tham dự hội thảo trực tuyến kéo dài ba ngày để chia sẻ và giải thích sâu hơn về các chủ đề nóng trong ngành năng lượng Mặt Trời Việt Nam như hiện trạng và dự báo về thị trường, phân tích chính sách, kế hoạch nâng cấp lưới điện, năng lượng Mặt Trời áp mái và quản lý tài sản cố định, O&M và dự trữ năng lượng...

Nhận định của các chuyên gia kinh tế cho thấy, Việt Nam chắc chắn là một trong những thị trường năng lượng tái tạo hấp dẫn nhất trên thế giới, nơi đã lắp đặt 5GW điện trong nửa đầu năm 2019 và vượt Thái Lan về công suất lắp đặt tấm pin năng lượng Mặt Trời lớn nhất Đông Nam Á cùng thời điểm.

[EVN đề xuất giải quyết vướng mắc cho điện Mặt Trời mái nhà]

Số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy Việt Nam có trung bình 1.600-2.700 giờ có ánh nắng Mặt Trời và bức xạ trực tiếp thông thường trung bình là 4-5 kWh trên mỗi mét vuông một ngày.

Vòng thứ hai của chính sách Fit năng lượng Mặt Trời (Fit được hiểu là mức giá áp dụng cho điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, là một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo).

Với thời hạn Ngày Vận hành Thương mại (Commercial Operation Date - COD) mới vào 31 tháng 12 năm 2020, Fit cho năng lượng Mặt Trời vòng thứ hai (7,69 US cent/kWh đối với điện năng lượng Mặt Trời nổi, 7,09 US cent/kWh đối với năng lượng Mặt Trời trên mặt đất và 8,38 US cent/kWh đối với năng lượng Mặt Trời mái nhà), một lần nữa sẽ thúc đẩy thị trường năng lượng Mặt Trời Việt Nam phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng Việt Nam gần đây đã phê duyệt Đề xuất 544 do Bộ Công Thương trình cùng với chương trình thí điểm Hợp đồng Mua bán Điện trực tiếp (DDPA). Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ khởi động dự án thí điểm DPPA và đang tiến hành xây dựng các kế hoạch tiếp theo.

Tính đến 23/8, Cơ quan Điện và Năng lượng Tái tạo (EREA) đã cập nhật tổng công suất điện Mặt Trời mái nhà được lắp đặt là 1.027MWp với 45.299 hệ thống lắp đặt.

Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 31/8/2020, cung cấp và làm rõ các hướng dẫn mới về việc phát triển các trang trại điện Mặt Trời được nối vào lưới điện và về các hệ thống điện Mặt Trời áp mái nhằm thúc đẩy thị trường năng lượng Mặt Trời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dưới tác động của dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề gián đoạn trong chuỗi cung ứng, thiếu mạng lưới xã hội và triển lãm trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục