Sắp diễn ra Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ hai

Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần 2, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 19-25/11 tại Sóc Trăng; dự kiến có trên 50 đội ghe Ngo nam, nữ sẽ tham dự.
Hai đội ghe Ngo nam đang nước rút về đích tại giải đua ghe Ngo trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ 6, năm 2014. (Ảnh: Xuân Dự/TTXVN)

Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ hai, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra từ ngày 19-25/11 tại thành phố Sóc Trăng.

Để chuẩn bị cho cuộc tranh tài, vận động viên của các đội ghe Ngo tại nhiều phum sóc đang tích cực tập luyện, hứa hẹn cuộc đua quyết liệt và hấp dẫn trong những ngày diễn ra lễ hội.

Những ngày này, cứ tầm 16 giờ, các phum sóc nhộn nhịp hẳn lên bởi tiếng còi vang lên và nhịp dầm đều tay của các vận động viên đang hăng say luyện tập trong sự cổ vũ của người dân. Với đồng bào Khmer nói riêng và cư dân vùng đất Sóc Trăng nói chung, ngày đua ghe Ngo là ngày hội chung của cả cộng đồng dân cư.

Khó có thể tả hết sự hào hứng và phấn khởi của người dân khi có ghe Ngo hạ thủy và tham gia tranh tài trong ngày hội lớn. Mỗi buổi chiều, đến giờ tập luyện của đội ghe Ngo là cư dân của cả phum sóc tề tựu theo dõi và cổ vũ.

Anh Trần Dưng, vận động viên đội ghe Ngo chùa Đay Ta Suốs (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) chia sẻ: Ghe của đội mới hạ thủy nên đội của các anh chỉ đặt mục tiêu là tăng cường thể lực và giao lưu, học hỏi với các đội bạn. Những mùa sau, đội sẽ cố gắng và đặt mục tiêu cao hơn.

Theo sư Trần Sia, Trụ trì chùa Đay Ta Suốs (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú), từ nguyện vọng của cư dân phum sóc nên nhân lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ hai, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ban quản trị chùa thống nhất đóng chiếc ghe Ngo mới, với trị giá hơn 250 triệu đồng để phật tử bổn chùa cùng tham gia, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phấn khởi vì có ghe Ngo mới, các vận động viên chùa Đay Ta Suốs rất hào hứng chờ đến ngày khai cuộc. Đến thời điểm này, trên 100 vận động viên là những tay chèo ưu tú, khỏe mạnh và dẻo dai nhất đã được chọn đại diện cho đông đảo phật tử của bổn chùa tham gia thi đấu.

Tại chùa Norinh Rengsây Ong Kho, thuộc thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị, khoảng 1 tháng nay, cứ đến buổi chiều, các vận động viên lại tập trung về chùa để tập luyện.

Ông Lý Hol, Trưởng Ban quản trị chùa Norinh Rengsây Ong Kho cho biết nhà chùa và phật tử bổn chùa rất đoàn kết và tích cực hỗ trợ các vận động viên. Năm nay, lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ hai, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức, mọi người đều cố gắng phấn đấu hết khả năng, dù thắng hay thua vẫn quyết tâm chung vui cùng lễ hội đua ghe Ngo truyền thống của dân tộc mình.

Trong lễ đua ghe Ngo Ok Om Bok năm 2014, đội ghe Ngo của chùa đã giành giải ba trong lần đầu tiên hạ thủy sau hơn 80 năm không tham dự. Điều này khiến các vận động viên hào hứng hơn khi tham dự lễ hội đua ghe Ngo năm nay. Đặc biệt, không chỉ có phật tử Khmer, sức hút của môn thể thao truyền thống này còn lan tỏa đến cả đồng bào dân tộc Kinh, Hoa tại địa phương.

Anh Danh Thanh Hiệp, vận động viên của chùa Tà Âng, huyện Mỹ Tú, cho biết năm nào anh cũng tham gia đội ghe của chùa. Năm nay, các vận động viên tranh thủ tập luyện từ sớm để nâng cao thành tích cho đội trong cuộc đua sắp tới.

Tiếng còi xen lẫn tiếng hò reo, cổ vũ nhiệt tình của người dân trong phum sóc làm cho không khí tập luyện thật hào hứng chuẩn bị cho ngày hội đua ghe Ngo, hứa hẹn một mùa lễ Ok Om Bok 2015 của đồng bào Khmer tại Sóc Trăng sẽ vô cùng sôi động và hấp dẫn.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, dự kiến có trên 50 đội ghe Ngo nam, nữ sẽ tham dự tranh tài ở 2 nội dung vô địch đồng hạng nữ với cự ly 1.000m và vô địch đồng hạng nam với cự ly 1.200m trong Lễ hội đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục