Sắp diễn ra hai hội nghị đặc biệt của ASEAN về đại dịch COVID-19

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 theo hình thức trực tuyến.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Chủ tịch Nhóm công tác của Hội đồng Điều phối ASEAN phát biểu tại Hội nghị trực tuyến các quan chức cao cấp liên ngành ASEAN-Mỹ về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp ngày 1/4. (Ảnh:

Theo Bộ Ngoại giao Indonesia, Tổng thống nước này Joko Widodo sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 theo hình thức trực tuyến.

Trong thông cáo báo chí ngày 12/4, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Widodo tham gia một hội nghị trực tuyến cấp cao.

Trước đó, Tổng thống Widodo đã tham dự Hội nghị cấp cao G20 về dịch COVID-19 do Saudi Arabia chủ trì vào ngày 26/3.

Ngoại trưởng Retno cho rằng đây là các hội nghị cấp cao mang tính “chiến lược” nhằm thống nhất các nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Theo bà Retno, hai hội nghị cấp cao sắp tới cùng các cuộc họp bên lề sẽ thảo luận về những nỗ lực chung trong việc xử lý, ứng phó và giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19, đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác, cũng như bảo vệ các công dân Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và sử dụng một số cơ chế hợp tác hiện có.

[ASEAN nhất trí thành lập Quỹ ứng phó với đại dịch COVID-19]

Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN dự kiến sẽ ra Tuyên bố chung về đại dịch COVID-19, trong đó cam kết tiếp tục ứng phó hiệu quả với đại dịch thông qua cách tiếp cận thống nhất, đa ngành, đa phương và liên quan đến toàn bộ Cộng đồng ASEAN.

Trong khi đó, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 dự kiến cũng ra Tuyên bố chung về đại dịch COVID-19, trong đó khẳng định cam kết chung nhằm tăng cường đoàn kết, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa ASEAN và ba nước đối tác trong việc kiểm soát, ngăn chặn và ứng phó với các tác động của đại dịch trên các mặt kinh tế và xã hội.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối ASEAN lần thứ 25 (ACC-25) được tổ chức hôm 9/4, Ngoại trưởng Retno đã đề xuất bốn vấn đề cần bàn bạc tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 sắp tới.

Một là, liên quan đến các nỗ lực chống COVID-19, Indonesia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện kết quả các Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN và ASEAN+3.

Theo đó, Indonesia đề xuất rằng Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về dịch COVID-19 vạch ra các cơ chế nhằm chuẩn bị các giao thức phản ứng y tế cộng đồng xuyên biên giới.

Hai là, xuất phát từ tầm quan trọng của cam kết đảm bảo lưu chuyển hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, thuốc men và các thiết bị y tế, Indonesia đề xuất Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 thông qua một thỏa thuận về chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh.

Ba là, ASEAN cần bảo vệ các công dân của mình, trong đó có các nhóm dễ bị tổn thương, nhất là lao động nhập cư.

Theo đó, Indonesia đề xuất một giao thức liên quan đến việc đi lại của người dân giữa các quốc gia thành viên ASEAN như một biện pháp phục hồi sau đại dịch.

Bốn là, ASEAN có thể nghiên cứu sử dụng Quỹ phát triển ASEAN và Quỹ hợp tác ASEAN+3 nhằm thành lập Quỹ ứng phó dịch COVID-19 của ASEAN.

Theo Ngoại trưởng Retno, Quỹ này có thể hỗ trợ các nước thành viên ASEAN đảm bảo các trang thiết bị y tế và có thể được mở cho các nước đối tác đối thoại của ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục