Sắp đến hạn chót để gìn giữ hòa bình tại Tây Balkan?

Người dân tộc Serbia sinh sống tại Kosovo sẽ được cấp giấy tờ tùy thân và biển số xe tạm thời để thay thế giấy thông hành do chính quyền Serbia cấp.
Sắp đến hạn chót để gìn giữ hòa bình tại Tây Balkan? ảnh 1Xe cộ đi lại qua biên giới giữa Kosovo và Serbia. (Nguồn: balkaninsight.com)

Thời hạn chót để những quy định mới gây tranh cãi tại Kosovo về thẻ căn cước và biển số ôtô đi vào hiệu lực đang đến gần.

Nếu đi vào thực thi, các quy định này được cho là sẽ dẫn đến một đợt biểu tình mới ở khu vực phía Bắc Kosovo vốn đầy biến động.

Các nhà ngoại giao cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang khẩn trương tìm cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới trước khi các quy định có hiệu lực vào giữa tháng/9.

Theo các biện pháp mà Pristina công bố, người dân tộc Serbia sinh sống tại Kosovo sẽ được cấp giấy tờ tùy thân và biển số xe tạm thời để thay thế giấy thông hành do chính quyền Serbia cấp.

[Quan chức Liên hợp quốc quan ngại về tình hình ở Bắc Kosovo]

Những người này sẽ phải lấy biển số xe mới với mã quốc gia Kosovo là RKS, nhưng Serbia lại không chấp nhận mã này mà chỉ chấp nhận mã KS.

Ngày dự kiến ban đầu (1/8) để các biện pháp có hiệu lực đã qua và các quan chức Serbia mô tả các biện pháp đó là một bước tiến nhằm trục xuất người Serbia khỏi Kosovo.

Trong khi đó, các quan chức ở Pristina lập luận rằng họ chỉ đơn thuần đưa ra các biện pháp “có đi có lại” giống như những biện pháp mà Belgrade thực hiện đối với những người đi du lịch đến Serbia từ Kosovo.

Người Serbia tại phía Bắc Kosovo đã phản ứng một cách giận dữ bằng cách lập rào chắn các con đường tới biên giới vài tiếng trước khi các biện pháp được cho là sẽ có hiệu lực.

Vào phút chót, để ngăn chặn nguy cơ một cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti ngày 31/7 đã thông báo Kosovo sẵn sàng trì hoãn quyết định cho đến ngày các hàng rào được dỡ bỏ.

Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực ngoại giao quyết liệt của các phái viên EU và Mỹ, vẫn chưa có thỏa hiệp nào đạt được.

Thủ tướng Kosovo Kurti và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã gặp nhau hôm 18/8 tại Brussel nhưng không đạt được thỏa thuận nào.

Kể từ đó, Đặc phái viên của EU tại Serbia và Kosovo Miroslav Lajcak, và Đặc phái viên của Mỹ ở Tây Balkan Gabriel Escobar đã liên tục tới khu vực này nhằm nỗ lực ngăn chặn một cuộc khủng hoảng mới, nhưng đến nay chưa tạo được bước đột phá.

Sau cuộc họp gần đây nhất hôm 25/8, ông Lajcak nói rằng cuộc thảo luận đã diễn ra “khó khăn nhưng có trách nhiệm,” trong khi phái viên Escobar cũng nhìn nhận cuộc gặp với Tổng thống Vucic là “khó khăn và kéo dài,” khẳng định Mỹ và EU đánh giá cao cam kết của Tổng thống Serbia đối với hòa bình và ổn định, đồng thời nhấn mạnh “công việc vẫn tiếp tục.”

Theo hãng tin Tanjug (Serbia), Tổng thống Vucic sau cuộc họp đã khẳng định sẽ không từ bỏ các lợi ích quan trọng của quốc gia và nhà nước, cũng như lợi ích và an ninh của người Serbia ở Kosovo.

Cho đến nay, thành quả chính đạt được chỉ là sự đảm bảo từ cả ông Kurti và ông Vucic về việc không bên nào muốn tình hình leo thang hoặc bùng phát bạo lực vào ngày 1/9.

Tây Balkan dưới cái bóng của cuộc xung đột Ukraine

Bất chấp tiến trình bình thường hóa kéo dài do EU làm trung gian, căng thẳng giữa Serbia và Kosovo vẫn tiếp tục leo thang.

Cốt lõi của các vấn đề giữa hai nước là việc Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia sau một cuộc chiến đẫm máu vào cuối những năm 1990, tuy nhiên Belgrade không công nhận Kosovo là một quốc gia riêng biệt.

Có một bộ phận người Serbia thiểu số tập trung tại một khu vực ở Kosovo coi Belgrade giữ vai trò lãnh đạo thay vì Pristina.

Nga hậu thuẫn Serbia trong quyết tâm không công nhận Kosovo và đã giúp ngăn Kosovo trở thành thành viên của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.

Với cuộc xung đột tại Ukraine và suy đoán rằng thế giới đang bước vào một kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh mới, dù hầu hết các quốc gia thuộc khối phía Đông trước đây hiện giờ đều đã ngả về phương Tây, song vẫn có những lo ngại rằng Nga sẽ khai thác những căng thẳng hiện nay tại Tây Balkan để gây mất ổn định khu vực.

Điều này không chỉ liên quan đến Bắc Kosovo, mà cả Bosnia & Herzegovina, nơi các chính trị gia Serbia hàng đầu của Bosnia đang đe dọa về khả năng ly khai của “Cộng hòa Srpska” (Republika Srpska), 1 trong 2 thực thể tạo nên nhà nước Bosnia & Herzegovina với đa số là người dân tộc Serbia.

Capucine May, chuyên gia phân tích rủi ro châu Âu thuộc công ty tình báo Verisk Maplecroft, nhận định cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine “đang đổ thêm dầu vào lửa” đối với căng thẳng tại Balkan và “khuyến khích một số nhà lãnh đạo tại Balkan, trong đó có Milorad Dodik của Republika Srpska và Vucic của Serbia, thể hiện chủ nghĩa dân tộc cao hơn.”

Theo chuyên gia này, cuộc chiến tại Ukraine đang thúc đẩy luận điệu ủng hộ người Serbia và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Thật không may, các quan chức Nga đã cân nhắc tình hình. Hôm 2/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã hối thúc Mỹ và EU ngừng khuyến khích những người “cấp tiến” tại Kosovo kích động người Serbia ở Kosovo và Serbia.

Bà Zakharova nhấn mạnh: “Cho đến khi phương Tây nhận ra rằng mối đe dọa phá hoại sự ổn định mong manh ở khu vực Balkan là rất thực tế, các thử nghiệm nguy hiểm sẽ tiếp tục. Trách nhiệm ở đây hoàn toàn thuộc về phương Tây, và trên hết là thuộc về Washington.”

Sau đó, khi Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksanda Vulin thăm Moskva vào đầu 8/2022, Văn phòng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cần có một giải pháp “tôn trọng hoàn toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Serbia.”

Trong khi đó, Ukraine, quốc gia hiện không công nhận Kosovo, chủ yếu do Nga đã sử dụng sự công nhận của phương Tây đối với Kosovo để biện minh cho các hành động ở miền Đông Ukraine, có thể xem xét lại lập trường của mình trước tình hình địa chính trị mới ở châu Âu.

Nghị sỹ Oleksiy Goncharenko hôm 6/8 cho biết đã đệ trình lên quốc hội Ukraine dự thảo nghị quyết về việc công nhận Kosovo.

Liệu sẽ có chiến tranh tại Tây Balkan?

Nỗi lo sợ lớn hiện nay là nếu tình hình không được giải quyết trước ngày 1/9 thì có nguy cơ dẫn đến bạo lực quy mô lớn hơn ở Bắc Kosovo.

Các nhà lãnh đạo Serbia và Kosovo đã tuyên bố muốn tránh bất kỳ vụ bạo lực nào, song họ dường như cũng đang hướng tới dư luận trong nước khi nhấn mạnh sự nguy hiểm của thế bế tắc hiện nay.

Sau khi căng thẳng lắng xuống vào cuối tháng 7, Tổng thống Vucic cho biết "kịch bản khó khăn nhất" ở Kosovo hầu như không thể tránh khỏi, đồng thời tuyên bố "chúng tôi đã bước một bước khỏi thảm họa."

Ông cũng nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích của người Serbia ở Kosovo.

Trả lời phỏng vấn nhật báo La Repubblica (Italy) ngày 7/8, Thủ tướng Kurti đã khẳng định nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột mới giữa Kosovo và Serbia là “rất cao,” vì tình hình đã thay đổi kể từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo ông Kurti, Ukraine là hệ quả đầu tiên của ý tưởng phát xít về “chủ nghĩa Pan-Slav” (hệ tư tưởng chính trị về sự toàn vẹn và thống nhất các dân tộc Slav) của Điện Kremlin, và nếu có hệ quả thứ hai là một cuộc chiến khác, chẳng hạn như ở Transnistria, thì “khả năng rất cao” là cuộc chiến tranh thứ ba sẽ nổ ra tại Tây Balkan, đặc biệt là ở Kosovo.

Mới đây, ông Kurti cũng đã kêu gọi tăng cường lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Kosovo (KFOR) trên thực địa và nhấn mạnh lực lượng này là cần thiết do “các mối đe dọa từ Serbia và Nga.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gần đây đã gặp cả Vucic và Kurti, đồng thời kêu gọi cả hai bên kiềm chế.

Ông Stoltenberg trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kurti hôm 17/8 cũng tuyên bố NATO có 3.700 binh sỹ KFOR tại Kosovo, là lực lượng mạnh và sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích May nhìn nhận các cuộc đụng độ vừa qua cho thấy căng thẳng giữa Kosovo và Serbia khó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện.

Theo bà May, nguy cơ xung đột đã giảm bớt nhờ sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR do NATO dẫn đầu và các nỗ lực hòa giải ngoại giao quốc tế đang diễn ra.

Thực tế là cả Serbia và Kosovo, dù thừa nhận hay không, vẫn nuôi hy vọng gia nhập EU và đây chính là một yếu tố quan trọng khác khiến chiến tranh khó xảy ra.

Bà May cũng chỉ ra rằng các cuộc phong tỏa và bạo lực xảy ra tương đối phổ biến dọc theo biên giới hai nước, đặc biệt là đối với việc hợp thức hóa danh tính thông qua biển số xe và thẻ căn cước.

Cho đến nay, với rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán và không có lộ trình cụ thể để đạt được thỏa hiệp, Thủ tướng Kurti khẳng định ông không có kế hoạch loại bỏ các biện pháp gây tranh cãi nêu trên, điều này đồng nghĩa việc đưa ra các quy tắc mới có thể sẽ tiếp tục bị hoãn.

Tuy nhiên, khi điều đó giúp tránh một cuộc khủng hoảng ngay lập tức vào ngày 1/9, hai bên sẽ không tiến gần hơn đến một giải pháp lâu dài nhằm bình thường hóa tình hình tại khu vực, cũng như hướng tới tiến trình gia nhập EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục