“Nguyên nhân sập dầm cầu Thanh Trì là do các hệ giằng chính bằng sắt thép bê tông và các thanh liên kết ngang không vững chắc, sơ suất trong việc liên kết giữa các dầm làm nghiêng dầm, gây nên gãy, đổ." Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết như trên và nói thêm rằng các liên kết chống đỡ dầm cầu và các mối hàn để lâu ngày bị gỉ đã làm sập phiến dầm thứ 4 nằm giữa tác động đến 3 phiến dầm nằm ngoài sập theo . Sự cố xảy ra tại vị trí phiến dầm I (gói thầu 3A), 4 phiến dầm cầu dài 33m thuộc công trình cầu cạn nối dài (dự án cầu cạn Pháp Vân-Linh Đàm) - Dự án cầu Thanh Trì. Phiến dầm rơi xuống đất và hỏng hoàn toàn. Trao đổi với báo chí chiều 19/4, ông Bình cho hay: “Hiện Ban quản lý dự án đang kiểm tra lại các dầm khác để đảm bảo độ chắc chắn của các dầm cầu còn lại. Khi kiểm tra mà phát hiện các trục hoặc các phiến dầm nào có hỏng hóc thì Ban quản lý sẽ xử lý ngay lập tức. Tuy nhiên, tiến độ dự án sẽ vẫn được hoàn thành vào cuối tháng 9.” Theo ông Bình, việc thi công trải qua rất nhiều công đoạn, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, trước khi đưa vào sử dụng còn phải thử tải công trình. "Người dân hoàn toàn yên tâm về các công trình đã đưa vào sử dụng.” Ông Bình cũng khẳng định rằng, các phiến dầm I bê tông nhịp P73L-P74L bị sập chưa đến mức phải mời các chuyên gia nước ngoài mà chỉ cần các giáo sư hoặc chuyên gia đầu ngành trong nước để khắc phục sự cố. Phương án khắc phục sự cố thì đơn giản, bởi dầm bị đổ thuộc loại dầm đơn, nhà thầu đúc dầm khác là công trình vẫn thi công bình thường để đảm bảo đúng tiến độ. Theo ghi nhận của phóng viên, các thanh dầm cầu dài 33m, cao 1,6m được gối tạm lên dầm ngang và các trụ cầu, chống đỡ bằng các thanh gỗ tại hai đầu và một số cây sắt xiên được gắn với thanh giằng của dầm cầu ngang bên cạnh. Mỗi dầm ngang đều được cố định lên trụ cầu, bên ngoài được chống đỡ bằng 2 cây gỗ ở mỗi đầu và cuối của dầm cầu. Trong số các thanh dầm bị sập, thanh ngoài cùng không bị gãy, chỉ cong và nứt. Các thanh bên trong gãy làm 2 đoạn hoặc 4 đoạn. Hiện trường vụ sập dầm cầu vẫn bị phong tỏa, tuy nhiên, tại các khu vực khác của công trình, công nhân vẫn làm việc bình thường. Theo ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc công ty cầu 7 (thuộc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, nhà thầu), các thanh dầm vừa sập được gác lên trụ cầu vào ngày 4/12/2009. Giữa các thanh dầm có thanh giằng ngang bằng thép hàn nối nhằm liên kết, cố định vị trí. Nguyên nhân có thể do phần liên kết, chống đỡ dầm tồn tại trong thời gian rất lâu (4 tháng). Các mối hàn liên kết do yếu, hoặc mưa gió đã gây mất ổn định một thanh dầm nào đó khiến nó bị nghiêng và bị đổ, tác động tới 3 thanh dầm còn lại. Ông Ý cũng thừa nhận: “Trách nhiệm trước hết là thuộc về đơn vị thi công chúng tôi. Có thể trong quá trình thi công, chúng tôi còn có sơ xuất, chưa kiểm soát hết được mọi tình huống. Các mối hàn có thể bị ảnh hưởng do tác động tự nhiên, hoặc do các mối hàn này không đảm bảo chất lượng.” “Trong quá trình thi công, chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã nhắc nhở hơn 10 lần bên thi công (Công ty cầu 7) về độ an toàn của cầu Thanh Trì. Chủ đầu tư cũng lập biên bản về các lỗi về an toàn lao động,” ông Phạm Thanh Bình tiết lộ thêm. Hiện tại, Ban quản lý dự án Thăng Long đã báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, Cục Giám định Nhà nước biết và xin ý kiến chỉ đạo./.
Gói thầu 3A – Xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài thuộc Dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai 3 Hà Nội do Nhà thầu là Liên doanh Sumitomo Mitsui – Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công.
Gói thầu có chiều dài 2.484m cầu cạn chạy suốt, 221m cầu bản có lỗ bê tông cốt thép và hai đường gom dài 950 m mỗi bên. Tổng giá trị hợp đồng là 993,351 tỷ đồng. Gói thầu được khởi công từ ngày 14/10/2008 và được hoàn thành sau 730 ngày. Tính đến nay Nhà thầu đã thi công được khoảng 70% khối lượng công việc.
|
Mạnh Hùng (Vietnam+)