Sao la, sếu đỏ Việt góp mặt ở tác phẩm đạt giải nhất về ấn tượng Italy

Tranh sơn khắc của họa sỹ trẻ Nguyễn Xuân Lam đã chọn thể hiện truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái Việt Nam trong tác phẩm vinh danh văn hóa Việt-Italy.
Tác phẩm sơn khắc 'Miền không tưởng' của Nguyễn Xuân Lam với đặc trưng thiên nhiên Italy ở giữa, sếu đầu đỏ, sao la, cây tùng, cây trúc Việt Nam ở hai bên. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhân Ngày nghệ thuật đương đại Italy lần thứ 16, Đại sứ quán Italy tại Việt Nam đã cùng Viện Văn hóa và Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam VICAS tổ chức cuộc thi “Nước Ý qua lăng kính nghệ sỹ đương đại Việt Nam.” Cùng với đó là cuộc trưng bày toàn bộ các tác phẩm dự thi của 31 tác giả kéo dài từ ngày 8-11/12 tại Casa Italia (18 Lê Phụng Hiểu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Cũng tại đây, 3 giải thưởng cho 3 tác phẩm xuất sắc nhất đã được công bố. Giải nhất năm nay dành cho tác phẩm “Miền không tưởng” (“The Utopia Land”) của họa sỹ Nguyễn Xuân Lam. Tác phẩm của gồm 3 phần: Ở giữa là các loại cây, thực vật đặc trưng và chó sói - những hình tượng được coi là biểu tượng của Italy, hai bên còn lại của tác phẩm là hình ảnh thiên nhiên từ Việt Nam.

Đặc biệt, trong bức tranh thiên nhiên đó có hình ảnh sếu đầu đỏ và sao la - hai loài vật đứng trước bờ vực tuyệt chủng, có mặt trong Sách đỏ Việt Nam. Phía sau hai loài vật này cũng chính là những cây tùng, trúc quen thuộc trong các tác phẩm hội họa Việt.

Ý tưởng của Nguyễn Xuân Lam hình thành khi COVID-19 “ập” tới Italy. Chỉ mới 2019, anh có cơ hội tới tham quan những thành phố nổi tiếng của Italy, chứng kiến cảnh khách du lịch đông đúc. Năm 2020, thành phố bất chợt trở nên vắng bóng con người vì lệnh phong tỏa. Thay vào đó, nhiều động vật đổ ra các ngả đường của thành Rome, gồm cả vật nuôi trong nhà lẫn động vật hoang dã như lợn rừng, gấu… Các dòng kênh của Venice thì xuất hiện sứa, cá heo...

Nghĩ đến một thế giới không có loài người, chỉ có thiên nhiên, động vật, Nguyễn Xuân Lam thực hiện tác phẩm sơn khắc “Miền không tưởng.” Qua tác phẩm, Xuân Lam muốn gửi đi thông điệp gìn giữ, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Ngoài ra, sơn khắc cũng là chất liệu truyền thống của Việt Nam mà cũng ít nhiều đối mặt với sự mai một.

Tác phẩm 'Quan âm tọa sơn' của Vũ Đỗ và Quỳnh Chu làm từ sơn keo (tempara) và vàng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

So với mọi năm (vốn chỉ có 1 giải), cuộc thi năm nay bổ sung thêm 2 giải đặc biệt dành. Trong đó, một giải được trao cho “Quan âm tọa sơn” của hai tác giả Vũ Đỗ và Quỳnh Chu. Tác phẩm được thể hiện bằng vàng và sơn tempera (sơn keo) trên mặt gỗ - loại sơn thường thấy trong những bức tranh thời Trung Cổ và Sơ Phục Hưng của nền hội họa.

Giải đặc biệt còn lại được trao cho tác phẩm “Vũ điệu Tarantella dưới ánh trăng” theo trường phái trừu tượng của họa sỹ Phùng Văn Tuệ. Dù chưa từng tới thăm Italy, ông đã đam mê và tìm hiểu nền văn hóa, nghệ thuật của nước này - nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật từ rất lâu.

'Vũ điệu Tarantella dưới ánh trăng' - một vũ điệu nổi tiếng miền Nam Italy từ sơn acrylic trên toan. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Do dịch COVID-19, cuộc thi kỷ niệm Ngày nghệ thuật đương đại Italy năm nay không có sự góp mặt của các nghệ sỹ của đất nước hình chiếc ủng. Các tác phẩm chiến thắng trong những cuộc thi này đều được Đại sứ quan Italy tại Việt Nam lưu trữ và đưa vào bộ sưu tập cố định.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục