Sannai Maruyama - Hình ảnh rõ nét về một giai đoạn tiền sử của Nhật Bản

Sannai-Maruyama là nơi định cư lớn từ giai đoạn đầu đến giữa thời kỳ Jomon với nhiều di tích bao gồm nhà sàn, nhà hố, đồ gốm và đồ cổ bằng đá cho thấy con người đã sống ở đó hơn 1.500 năm.

Hình ảnh công trình kiến trúc biểu tượng của khu di tích Sannai-Maruyama, đỉnh cao về kỹ thuật xây dựng thời kỳ Jomon. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)
Hình ảnh công trình kiến trúc biểu tượng của khu di tích Sannai-Maruyama, đỉnh cao về kỹ thuật xây dựng thời kỳ Jomon. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Thời kỳ Jomon hay còn gọi là thời kỳ đồ đá mới ở Nhật Bản, là thời tiền sử ở Nhật Bản, từ khoảng năm 14.000 trước Công nguyên đến năm 300 trước Công nguyên.

Từ Jomon có nghĩa là “dấu thừng” dùng để chỉ những dấu in văn thừng nhìn thấy trên đồ đất nung được tìm thấy từ thời kỳ này.

Trong số các di tích về thời kỳ Jomon ở nhiều nơi phía Bắc Nhật Bản, Sannai-Maruyama là một trong những địa điểm lớn nhất với các di tích định cư của con người từ khoảng 5500 đến 4000 năm trước.

Tọa lạc tại ngoại ô thành phố Aomori - phía Bắc của đất nước, di tích Sannai Maruyama mở ra trước mắt chúng ta về cuộc sống của người dân Nhật Bản thời kỳ Jomon một cách rõ nét nhất.

Khu di tích được phát hiện vào năm 1992, khi tỉnh Aomori bắt đầu tiến hành khảo sát địa điểm để xây dựng một sân vận động bóng chày có quy mô lớn.

Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một khu định cư lớn bao gồm nhà hố, đồ gốm và đồ cổ bằng đá có giá trị cao về văn hóa và lịch sử.

Do tầm quan trọng của địa điểm này, vào năm 1994, tỉnh Aomori đã quyết định chịu trách nhiệm bảo tồn Sannai Maruyama với nhiệm vụ tu bổ và xây dựng lại nhằm tái hiện một cách chân thực nhất về cuộc sống của người Jomon cổ đại.

Địa điểm Sannai Maruyama đã được đăng ký là di tích lịch sử quốc gia vào tháng 3/1997 và là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào tháng 11/2000.

Các di tích thời tiền sử Jomon ở miền Bắc Nhật Bản, bao gồm cả địa điểm Sannnai Maruyama, đã được ghi vào Danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO vào ngày 27/7/2021.

Ông Saito Yasushi, đại diện của khu di tích Sannai Maruyama, cho biết di tích thời kỳ Jomon không chỉ có ở Aomori mà còn được phát hiện ở nhiều nơi phía Bắc Nhật Bản.

Theo ông, điều đặc biệt của khu di tích Sannai Maruyama là quy mô lớn của khu định cư và số lượng lớn các hiện vật được tìm thấy.

Bên cạnh đó, thông qua nghiên cứu và điều tra cho thấy các công trình và di vật ở đấy có thời gian tồn tại khá dài.

Đánh giá về ý nghĩa của việc Sannai Maruyama cùng với các địa điểm thời kỳ Jomon khác được công nhận là Di sản Thế giới, ông bày tỏ đó không chỉ là thương hiệu mà còn là giá trị được công nhận, được thế giới biết đến là một di tích văn hóa nổi bật về thời tiền sử.

Sannai Maruyama-2.JPG
Sáu lỗ trụ của một công trình kiến trúc lớn ước tính cao 20 mét cung cấp bằng chứng các kỹ thuật khảo sát phức tạp thời kỳ Jomon. (Ảnh: Xuân Giao/Vietnam+)

Đại diện khu di tích cho biết trước đại dịch COVID-19, Sannai Maruyama đón khoảng 200.000 lượt du khách đến tham quan mỗi năm.

Kể từ sau khi được xác nhận là Di sản Thế giới, lượng du khách đến đây đạt vào khoảng 240.000 lượt mỗi năm.

Sannai-Maruyama là nơi định cư lớn từ giai đoạn đầu đến giữa thời kỳ Jomon với nhiều di tích bao gồm nhà sàn, nhà hố, đồ gốm và đồ cổ bằng đá, cho thấy con người đã sống ở đó hơn 1.500 năm.

Khu vực này có diện tích 42ha, nơi những tòa nhà được đỡ bằng cột mang tính biểu tượng và di tích của các nhà hố lớn được xây dựng lại, cho phép chúng ta truy ngược lại thông qua cách sinh sống của người Jomon.

Các vòng tròn đá có thể đã được người Jomon sử dụng làm địa điểm nghi lễ quan trọng, đồng thời họ cũng đào các hố mộ bên dưới. Khoảng 30 ngôi mộ đã được phát hiện trong quá trình khai quật.

Những ngôi mộ có vòng tròn bằng đá và hố chôn được xây dựng ở hai bên đường. Cho đến nay, ba con đường đã được phát hiện, con đường rộng nhất khoảng 20m và con đường dài nhất dài 420m, được cho là đã nối Sannai Maruyama với bờ biển.

Việc khai quật nhiều ngôi mộ dọc đường đã làm lộ ra những đồ vật chôn cất như đầu mũi tên và mặt dây chuyền thủ công.

Việc phát hiện các hiện vật làm bằng đá hắc thạch từ Hokkaido và đảo Sado cùng với ngọc bích từ Itoigawa ở tỉnh Niigata và hổ phách từ Kuji ở tỉnh Iwate cho thấy khu định cư này không hề bị cô lập mà là một phần của mạng lưới thương mại rộng khắp thời kỳ đó.

Những ngôi nhà được dựng trên những cột gỗ lớn hay đào sâu xuống lòng đất cho thấy về khả năng người Jomon đã biết tận dụng thiên nhiên và tài nguyên một cách khéo léo.

Dấu vết của khoảng 650 ngôi nhà hố đã được khai quật tại khu vực này, ngôi nhà lớn nhất dài 32m và rộng 9,8m. Các chuyên gia ước tính rằng khu định cư cổ xưa này có thể có tới 500 cá nhân sinh sống.

Các ngôi nhà sàn lớn, được phát hiện ở trung tâm khu vực di tích, có thể là ngôi nhà chung của cả cộng đồng, làm nơi tụ tập hoặc thực hiện các nghi lễ chung. Các nhà sàn được chống đỡ bằng các cột lớn được chôn sâu trong đất để làm trụ.

Vật liệu xây dựng ngôi nhà sàn cũng là các thân gỗ lớn được buộc chắc chắn với nhau. Những dấu vết này cho thấy thời kỳ Jomon, con người đã có kỹ năng xây dựng khá tốt.

Đỉnh cao về năng lực xây dựng của người Jomon tại địa điểm Sannai-Maruyama là một cấu trúc cao chót vót có trụ chống đỡ, được xem là biểu tượng của khu di sản này.

Công trình này được phục dựng sau khi các nhà khảo cổ có phát hiện mang tính đột phá nhất tại Sannai-Maruyama. Đó là các lỗ trụ của một công trình kiến trúc lớn ước tính cao 20m.

Sáu lỗ được xếp thành ba đường thẳng song song và cách nhau 4,2m, cung cấp bằng chứng cho thấy những người xây dựng công trình đã sử dụng các kỹ thuật khảo sát phức tạp.

Một số lỗ chứa tàn tích của những cột gỗ hạt dẻ có đường kính một mét đã được cố tình đốt cháy ở chân đế để chống lại đất ẩm, một biện pháp hiệu quả cũng giúp bảo tồn chúng cho đến thời hiện đại.

Sannai Maruyama-3.JPG
Ba nhà sàn được phục dựng dựa trên phát hiện những hố sâu có dấu hiệu dung để chôn những cột gỗ lớn. (Ảnh: Phạm Tuân/Vietnam+)

Cho đến nay, các nhà khảo cố chưa xác định được mục đích của kiến trúc này, nhưng một số giả thuyết cho rằng cấu trúc này có tầm quan trọng về mặt nghi lễ.

Cho dù có vai trò gì thì quy mô của công trình cũng cung cấp bằng chứng về năng lực kỹ thuật xây dựng của con người thời kỳ Jomon.

Sannai Maruyama còn có Bảo tàng Sanmaru, bao gồm khoảng 500 hiện vật khảo cổ đã được đăng ký là tài sản văn hóa quan trọng.

Cùng với các hiện vật trưng bày, còn có các mô hình kích thước thật mô tả chi tiết các hoạt động hàng ngày của người Jōmon giúp tái hiện lại quá khứ xa xưa của Nhật Bản.

Những mũi lao được mài từ sừng hươu, những chày đá tròn đều gợi đến hình ảnh của cuộc sống săn bắt hái lượm. Điều đặc biệt ấn tượng là vô số các hiện vật bằng đất nung, từ bình, vò đến đĩa lớn với các hoa văn chủ yếu là dấu thừng.

Các nhà khảo cổ cho rằng những hiện vật này chứng tỏ người Jomon đã có một đời sống ổn định hơn bởi lẽ đồ gốm rất dễ vỡ và vô ích với các hoạt động săn bắt hái lượm vốn phải di chuyển liên tục.

Như vậy người Jomon có thể là những người đầu tiên sống định cư, hoặc ít ra là bán định cư, trên thế giới.

Với những di tích được phát hiện, có thể nói Sannai Maruyama đã đem đến một cái nhìn sâu sắc và thú vị về một giai đoạn văn hóa thời tiền sử của đất nước Nhật Bản, góp phần tạo ra sự kết nối văn hóa từ thời tiền sử đến con người hiện đại ngày nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục