Sáng mùng Một Tết, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID-19

Tính từ 18 giờ ngày 11/2 đến 6 giờ ngày 12/2, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19.Đến thời điểm này, nước ta còn 129.098 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân thực hiện cách ly tập trung (Ảnh: TTXVN phát)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm, chúc tết, động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân thực hiện cách ly tập trung (Ảnh: TTXVN phát)

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết: Tính đến 6 giờ ngày 12/2, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.246 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 553 ca.

Tính từ 18 giờ ngày 11/2 đến 6 giờ ngày 12/2, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19.

Đến thời điểm này, nước ta còn 129.098 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly). Trong đó có 762 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 19.746 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 108.860 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có 1.531 ca bệnh COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi. Trong số các ca còn đang điều trị trong các cơ sở y tế, có 18 trường hợp đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2; có 10 trường hợp âm tính lần 2 và 8 trường hợp âm tính lần 3.

Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung đông người - Khai báo y tế.

Giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đón giao thừa trực tuyến cùng các y bác sĩ ở 18 điểm cầu. Đây là các y bác sỹ đang làm công tác điều trị tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 trên cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, năm 2020 là một năm dài đối với cả nước và ngành tế, ngay từ Tết Canh Tý, Thủ tướng đã kêu gọi "chống dịch như chống giặc". Trong lịch sử ngành y chưa lúc nào phải đối phó với căn bệnh lan nhanh như vậy. Nhưng chúng ta tự hào vì vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa phòng chống dịch, làm tốt công tác điều trị, nhiều bệnh nhân nặng được cứu sống...

Tuy nhiên, “trận chiến” chống dịch COVID-19 này sẽ kéo dài, ngay cả những nước đã có vaccine vẫn đang rất vất vả, vì vậy chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị tâm thế đối đầu với COVID-19. “Nhưng chúng ta có sức chiến đấu, có ý chí mạnh mẽ, có sự thừa kế truyền thống tốt đẹp của ngành nên mặc dù lần này phải đối đầu với một trận chiến khó khăn, nhưng tôi tin rằng chắc chắn chúng ta sẽ thành công”- Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục