Sáng mãi chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời bình

Chúng tôi có dịp gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thái Anh Kia, hiện sinh sống tại số nhà 27 đường Trần Cao Vân, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn.

Những ngày này, tại Bình Định đang sôi nổi chuẩn bị các hoạt động hướng về kỷ niệm 40 năm giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975-31/3/2015) cũng như 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chúng tôi có dịp gặp Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Thái Anh Kia, hiện sinh sống tại số nhà 27 đường Trần Cao Vân, phường Lê Lợi, thành phố Quy Nhơn.

Ông không chỉ kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong các trận đánh oai hùng của quân đội Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn cho chúng tôi hiểu thêm về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cả trong thời bình.

Nói về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong quá trình tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, ông cho biết: "Kỷ niệm nhiều lắm nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất là 2 lần tưởng chừng mình đã hy sinh trước nòng súng và làn đạn của kẻ thù."

Đó là lần tham gia trận đánh tại núi Gia Két, huyện Phù Cát vào khoảng đầu năm 1967. Tại trận đánh này, do bị lộ nên quân ta bị thiệt hại và thương vong khá lớn; trong đó, ông bị thương nặng và được 9 đồng chí đưa qua cánh đồng Nhơn Hòa (huyện An Nhơn) để lên Quốc lộ 19.

Khi đến giữa cánh đồng, phát hiện lính Nam Triều Tiên mai phục nên đồng đội đã để ông nằm lại và triển khai đội hình chiến đấu.

Khi địch tràn xuống, ông cố vươn dậy lấy một khẩu súng AK, nhả hết băng đạn và ném 4 quả lựu đạn về phía địch, sau đó ngất đi. Quân địch tràn qua, tưởng rằng ông đã chết nên chúng bỏ đi. Sau đó, ông cố gắng tự lết vào một ụ mối giữa đồng rồi được đồng đội đưa về Trạm y tế 202 để chữa trị vết thương. Lúc đó do ông đã bị kiệt sức nên không thể tiến hành mổ để cấp cứu vết thương mà trước tiên phải điều trị cho bình phục lại sức khỏe.

Trong một chuyến công tác, ông Đinh Bá Lộc, lúc đó là Chính trị viên Tỉnh đội đã đến Trạm y tế 202 thăm và viết giấy tới cấp trên đề nghị cho ông Kia ra Bệnh viện 108 ngoài Bắc để tiếp tục điều trị vết thương. Khoảng tháng 6/1967, ông được đồng đội đưa ra Bắc nhưng mới đến núi Gia Két (Phù Cát-Bình Định) đã gặp phải quân Mỹ đổ bộ và vây khắp núi.

Ông chống gậy tìm đường lên núi trong không khí “tĩnh lặng” đến rùng mình. Khi ấy, ông lấy lương khô và nước uống nghỉ lấy sức, quan sát ở phía sau một hang đá thấy có hình bóng của một người con gái nhô đầu lên rồi vụt mất.

Ông chờ đợi và gọi nhưng không nghe trả lời mà chỉ nghe thấy tiếng vọng lại từ vách núi là tiếng gọi của chính mình. Sau đó, ông bò đến hang đá và gặp được cô gái (sau này mới biết là chị Mai, cán bộ giao liên lúc đó).

Cô gái đã đưa ông vào Bệnh xá 208, nơi có 37 cán bộ chiến sỹ bị thương đang điều trị. Tại đây, y sỹ Quốc Vinh cho biết, địch đang càn quét nên yêu cầu ông ở lại và trang bị cho ông một khẩu súng trường CKC.

Trong suốt 1 tuần địch tấn công vào căn cứ, ông và các chiến sỹ đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ thương binh. Cuộc chiến đấu ác liệt nhưng địch không bỏ cuộc và đóng quân trên đỉnh núi - nơi có một bàn đá to là chỗ duy nhất có nguồn nước chảy qua để sử dụng.

Trong khi đó, căn cứ lại bị vây hãm nên anh em thương binh thiếu sữa và nước uống. Trước tình thế ấy, ông nảy ra ý nghĩ táo bạo cùng với các chiến sỹ lợi dụng ban đêm bò lên đột kích lấy sữa, lương khô và nước uống tiếp sức cho anh em trong căn cứ.

Lần đầu tiên, vì địch chưa cảnh giác nên anh em đã lấy được một khẩu súng đại liên, một thùng đạn. Sau này, chính khẩu đại liên ấy đã được ông sử dụng bắn rơi 2 máy bay lên thẳng của Mỹ và ngăn chặn nhiều đợt xung kích của địch vào cứ.

Trong một lần khác lên lấy nước, do quá mệt nên ông định nghỉ chốc lát nhưng rồi đã ngủ quên đến sáng và bị địch phát hiện. Sau khi bị bắt, địch dùng tấm khăn dù làm dây buộc 2 tay ông ra sau và đánh đập đến khi ngất đi, rồi chúng vào lán uống rượu.

Hôm sau, một toán lính Mỹ gồm 3 tên đến lán. Chúng để 3 khẩu súng M19 dựa vào nhau ở gần lán rồi đá ông lăn quay nhưng vô tình lại đá ông lăn đến chỗ 3 khẩu súng.

Khi tỉnh dậy, ông cố cởi chiếc khăn dù, thoát ra được, vớ lấy một khẩu súng nổ liên hồi vào lán địch, sau đó chạy xuống một lùm cây dưới hang.

Bọn địch la lối om sòm, bắn xối xả xuống hang đá. May mắn ông đã thoát hiểm và phát hiện được dấu hiệu (hình chữ thập) ở hang đá, chính là nơi các thương binh đang điều trị.

Sau trận đánh đó, ông được nằm tại cứ điều trị. Đến khi quân địch rút khỏi cứ, ông được các cấp trên cho ra Bắc điều trị và sang Liên Xô học tập từ năm 1970 đến 1976 trở về lại quê hương công tác.

Thiếu tá Thái Anh Kia sinh năm 1945, tham gia cách mạng từ năm 1962 tại xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ. Năm 1963, ông gia nhập quân giải phóng, thuộc Tiểu đoàn 52 - Huyện đội Phù Mỹ.

Trong suốt quá trình quân ngũ, ông đã tham gia 104 trận đánh lớn nhỏ tại địa bàn tỉnh Bình Định, tiêu diệt 116 tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu nhiều vũ khí quân trang quân dụng; cấp cứu cho gần 700 chiến sỹ bị thương; bản thân đã 11 lần bị thương và 22 vết thương tích đầy thân thể.

Với những thành tích đó, ngày 3/6/1976, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký Quyết định số 187/SV phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho thiếu tá Thái Anh Kia.

Từ một y tá, ông trở thành y sỹ, Chính trị viên tiểu đoàn, Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Quy Nhơn, Thường vụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Thành ủy Quy Nhơn, Phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng và buôn lậu tỉnh Bình Định, Phó Giám đốc Sở Thương mại tỉnh Bình Định. Tháng 6/2006, ông nghỉ hưu và là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Lê Lợi từ đó cho đến nay. Ở cương vị nào, anh cũng phát huy bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Vào các dịp kỷ niệm, lễ hội của đất nước..., ông Thường được mời đi nói chuyện về những tấm gương dũng cảm hy sinh và tinh thần quyết chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ noi theo.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lê Lợi Phạm Văn Tuấn cho biết những năm qua, Anh hùng Thái Anh Kia luôn tận tụy, sâu sát với các phong trào của địa phương và có nhiều đóng góp trong việc xây dựng mô hình cụm liên cơ quan đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, xây dựng con đường cựu chiến binh tự quản.

Bên cạnh đó, ông còn tham gia tích cực công tác nhân đạo từ thiện, nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ…, góp phần đưa Đảng bộ phường liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục