Sáng mãi các chiến công của 11 cô gái Sông Hương

Tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những chiến công xuất sắc.
Thời gian trôi qua, những gì thuộc về quá khứ có thể bị mờ dần hoặc lãng quên theo năm tháng, nhưng với dân tộc, quân đội Việt Nam và với những người trải qua những mùa chiến dịch, những trận chiến các liệt trên chiến trường chống Mỹ, thì cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là ký ức lịch sử không thể nào quên, nhất là đối với những người nữ du kích của Tiểu đội 11 cô gái sông Hương ngày ấy.

Thành phố Huế đã dựng bia tưởng niệm và ghi công 11 cô gái sông Hương tại phường Xuân Phú, nơi gắn với những chiến công của họ trong những ngày đánh Mỹ.

Nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt văn hoá, thắp lửa truyền thống cho đoàn viên thanh niên và các thế hệ cách mạng, nhất là trong những ngày Tết đến Xuân về.

Nói về chiến công của tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương ngày ấy, ông Hoàng Lanh, nguyên Bí thư thành ủy Huế lúc bấy giờ cho biết ban đầu, họ tập hợp nhau lại trong một tiểu đội xung phong làm nhiệm vụ tải thương, dẫn đường cho bộ đội tiến công vào giải phóng thành phố.

Về sau, chính họ đã anh dũng chiến đấu đẩy lùi một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ được trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, máy bay yểm trợ ngay giữa lòng thành phố Huế.

Riêng với chị Hoàng Thị Nở, một trong số các cô gái Sông Hương thì nhớ như in tất cả các cô gái sinh ra và lớn lên tại làng nón Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng đều lấy tên sông Hương làm tên chung.

Cuối năm 1967, họ tình nguyện tham gia đội nữ vũ trang bí mật gồm 11 người, với nhiệm vụ được giao là nắm tình hình hoạt động của bọn địch tại địa bàn các xã vùng ven như Thuỷ Thanh, Thuỷ An, đến Xuân Phú (thành phố Huế); tham gia chuyển thương binh ra ngoài, và bổ sung lực lượng chiến đấu khi cần thiết.

[Tổng tấn công Mậu Thân 1968: Đòn tấn công mở đầu] clipboard

Xuân Mậu Thân năm 1968, bộ đội bắt đầu đánh lớn ở thành phố Huế. Do thông thuộc địa bàn, 11 cô gái sông Hương được tổ chức thành một tiểu đội, ban ngày đi tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt, chiều tối đi gài đặt lựu đạn giết ác ôn và tổ chức đưa đón, dẫn đường cho các chiến sĩ vào chiến đấu giải phóng thành phố.

Riêng trận đánh đêm 11 sáng 12/2/1968 cả tiểu đội 11 cô gái sông Hương, với các vũ khí được trang bị AK, K44, một số mìn và lựu đạn nhưng đã dàn trận khắp các địa điểm tại khách sạn Hương Giang, Đại học sư phạm, chợ Cống, Xuân Phú để cầm cự và đánh lui cả một tiểu đoàn lính Mỹ có nhiều xe bọc thép và máy bay chiến đấu yểm trợ, diệt 70 lính và 4 xe tăng, thu nhiều vũ khí của địch để trang bị lại phục vụ cho chiến đấu.

[Quần chúng góp phần quan trọng trong chiến thắng]


Chị em háo hức đánh giặc quên ăn quên ngủ, lúc xông xáo với việc thả truyền đơn, đậy hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, lúc liên lạc và vận động binh lính ngụy trở về với nhân dân. Bất chấp hiểm nguy, trong công sự, chị em còn đùa nhau lính Mỹ to xác càng dễ bắn, chị em mình phải nhanh chóng, quyết liệt để chúng không thể trốn thoát.

Xuân năm ấy se lạnh, Huế rét ngọt, mưa phùn lất phất. Chị em vừa chiến đấu, vừa ăn Tết ngay trên công sự khét lẹt mùi khói thuốc. Bánh Tết được các mẹ, các chị trong phố đem ra tiếp tế.

Nhiều chị em đã anh dũng hy sinh ngay trong trận chiến đấu đó, trong đó có tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên và tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc khi tuổi đời họ còn rất trẻ.

Chiến công của 11 cô gái sông Hương đã được Bác Hồ gửi thư khen:


"Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương"

Năm 2009, tiểu đội du kích 11 cô gái sông Hương còn vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những chiến công xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Gặp lại chị Hoàng Thị Nở tại ngôi nhà số nhà 131/1 đường Bà Triệu, thành phố Huế bây giờ, chị cho biết sau giải phóng, trở về với đời thường, 5 trong số 11 cô gái sông Hương ngày ấy còn sống đã có 4 lần gặp lại nhau trong các chương trình giao lưu các thế hệ phụ nữ tham gia kháng chiến.

Những người đồng đội từng chung một chiến hào xưa thì nay mỗi người sinh sống một nơi. Chị Chế Thị Mừng và Nguyễn Thị Xê lấy chồng xa ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định; còn lại các chị Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Hợi, và chị Hoàng Thị Nở đều ở tại Thừa Thiên-Huế.

Chị Nguyễn Thị Hoa sau giải phóng về tham gia làm công tác ở Ban quản lý chợ Đông Ba, chị Chế Thị Mừng làm y sĩ ở phòng khám khu vực 3, chị Hoàng Thị Nở làm Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Huế, nay tất cả đã ngoài 60 tuổi và đều nghỉ hưu.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh và còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các chị đã vượt lên tất cả, xứng danh người phụ nữ "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục