Sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp xanh vượt mục tiêu huy động vốn

Từ khi được thành lập năm 2021 đến nay, Sáng kiến Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp để bảo vệ môi trường đã vượt mục tiêu huy động được 10 tỷ USD.
Sáng kiến toàn cầu về nông nghiệp xanh vượt mục tiêu huy động vốn ảnh 1Trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: TTXVN phát)

Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 8/5 thông báo một sáng kiến toàn cầu hướng tới nông nghiệp thân thiện với môi trường do hai nước này cùng điều phối đã huy động được kinh phí tổng cộng 13 tỷ USD.

Từ khi được thành lập năm 2021 đến nay, Sáng kiến Sứ mệnh đổi mới nông nghiệp để bảo vệ môi trường đã vượt mục tiêu huy động được 10 tỷ USD đến khi Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra tại UAE tháng 11-12/2023.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho rằng biến đổi khí hậu tiếp tục tác động đến các hoạt động nông nghiệp truyền thống trên khắp thế giới.

[WB đồng ý cho Trung Quốc vay 345 triệu USD phát triển nông nghiệp xanh]

Các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ ứng phó với những thách thức mà vấn đề này gây ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu UAE, bà Mariam bint Mohammed Almheiri, bày tỏ vui mừng khi huy động được 10 tỷ USD đóng góp từ khu vực công và 3 tỷ USD từ các khu vực tư nhân.

Hai bộ trưởng Mỹ và UAE đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh về Sáng kiến trên tại Washington (Mỹ) diễn ra trong tuần này.

Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cùng với các bộ trưởng từ Anh, Ủy ban châu Âu, Australia, Kenya, Mexico và Panama sẽ có bài phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay, khoảng 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đến từ các hệ thống thực phẩm, do các hoạt động như phá rừng để giải phóng đất phục vụ canh tác nông nghiệp, khí thải methane từ chăn nuôi, hay chi phí năng lượng từ chuỗi cung ứng và điện năng mà người tiêu dùng sử dụng để dự trữ và chế biến thực phẩm.

Ngược lại, vấn đề biến đổi khí hậu cũng đang đe dọa an ninh lương thực trên toàn thế giới, khi tình trạng ấm lên toàn cầu làm tăng tần suất các đợt nắng nóng, hạn hán cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác ảnh hưởng đến vụ mùa.

Các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ Sáng kiến trên bao gồm phát triển các loại phân bón mới và “xanh” hơn khi sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch hơn trong quá trình sản xuất.

Các biện pháp "nông nghiệp tái tạo" cũng được áp dụng lại, nhằm khôi phục đa dạng sinh học của đất, qua đó cải thiện năng suất và khả năng hấp thụ carbon, đồng thời giảm nhu cầu bón phân.

Trong khi đó, các thiết bị trang bị trí tuệ nhân tạo đang được phát triển với các khả năng lấy dữ liệu từ các nguồn khác nhau như vệ tinh và cảm biến mặt đất, giúp ước tính chính xác mức độ carbon của các vùng đất canh tác, từ đó hỗ trợ người nông dân cải thiện chất lượng đất.

Ngoài ra, nỗ lực áp dụng các kỹ thuật canh tác hiệu quả hơn và chuyển sang trồng các loại cây cần ít nước hơn ở một số khu vực bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu cũng là một phần của chương trình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục