Sáng kiến lập hệ thống thanh toán thống nhất toàn châu Âu

Hệ thống thanh toán thống nhất toàn châu Âu cho phép người tiêu dùng thanh toán xuyên suốt châu Âu, cả 7 ngày trong tuần, một cách tức thời và bằng một số điện thoại của người thụ hưởng.
(Nguồn: bbva.com)
(Nguồn: bbva.com)

16 ngân hàng ở châu Âu đã nhất trí cùng lập một hệ thống thanh toán thống nhất mới vào năm 2022, nhằm tạo cho người tiêu dùng tại châu lục này những loại ví điện tử và thẻ ngân hàng có thể thay thế cho các "gã khổng lồ" trong lĩnh vực này như Visa và Mastercard.

Thông cáo chung của hiệp hội các ngân hàng trên cho biết giải pháp mang tên Sáng kiến Thanh toán châu Âu (EPI) "hướng tới việc trở thành một phương thức thanh toán tiêu chuẩn mới cho người tiêu dùng và doanh nhân châu Âu trong mọi loại giao dịch, gồm tại quầy, trên mạng, rút tiền mặt bên cạnh các giải pháp hệ thống thanh toán quốc tế hiện nay.

Dự án trên ước tính có chi phí vài tỷ euro và dự định thu hút ít nhất 60% giao dịch thanh toán điện tử tại châu Âu.

Một quan chức điều hành cấp cao của ngân hàng BNP Paribas của Pháp, một thành viên hiệp hội trên, cho biết: "Cải tiến lớn nói trên sẽ nhằm cho phép thanh toán xuyên suốt châu Âu, cả 7 ngày trong tuần, một cách tức thời và bằng một số điện thoại của người thụ hưởng."

[Dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình chấm dứt dùng tiền mặt]

Vì các hệ thống thanh toán tại châu Âu hiện bị chia nhỏ và các dịch vụ kỹ thuật số vẫn chưa có ở mọi nơi, hiệp hội tin rằng giới chức châu Âu và các quốc gia thành viên sẽ thấy sáng kiến EPI là một giải pháp hữu hiệu.

Thông cáo của Hiệp hội nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy rõ sự cần thiết phải có một giải pháp thanh toán kỹ thuật số thống nhất trên toàn châu Âu. Vì vậy, EPI cũng hướng tới việc kết hợp hệ thống thanh toán của các ngân hàng, thương nhân và các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán/mua sắm, qua đó góp phần củng cố Thị trường chung và lịch trình số hóa châu Âu."

Trong phản ứng của mình, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hoan nghênh sáng kiến trên, thừa nhận rằng hiện 10 quốc gia châu Âu vẫn đang sử dụng các cơ chế thẻ quốc gia, không chấp nhận thẻ của các nước thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU).

ECB bày tỏ ủng hộ các sáng kiến tư nhân có tầm xuyên châu lục, với chi phí tiết kiệm, đảm bảo an ninh và thân thiện với khách hàng.

Hiệp hội ngân hàng trên sẽ vẫn để ngỏ cánh cửa cho các thành viên mới tham gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục